“Phải giảm bớt áp lực trong việc điều trị các bệnh nhân nặng. Nếu để xảy ra tình trạng quá tải, thành phố sẽ khó kiểm soát dịch bệnh.”
Đây là yêu cầu của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại cuộc họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố diễn ra ngày 27/8.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết ngày 27/8, Đà Nẵng ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay, với 202 ca, tập trung tại các điểm nóng, khu vực "vùng đỏ."
Số ca tăng lên do ngành Y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm 100% người dân trong các vùng này.
[Đà Nẵng siết chặt quản lý “ai ở đâu ở yên đó” tại các ngõ hẻm"]
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, ngày 28/7, Đà Nẵng sẽ bước vào lần xét nghiệm đại diện hộ gia đình toàn thành phố lần thứ 4. Trong đợt xét nghiệm này, các đơn vị, địa phương phải tiếp tục thực hiện quyết liệt nhằm cắt đứt nguồn lây, phát hiện các ca F0 trong cộng đồng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ hiện có 3 điểm cần lưu ý trong công tác điều trị tại Đà Nẵng: nguy cơ tử vong của người béo phì rất cao; khoảng 300 trẻ em ở thành phố đã mắc COVID-19; tình trạng phụ nữ mang thai mắc COVID-19 tăng cao; đòi hỏi các lực lượng phải nỗ lực, trách nhiệm hơn trong công tác điều trị.
Đến thời điểm hiện tại, ngành y tế đã chủ động chuẩn bị các điều kiện, năng lực điều trị nhưng nếu thành phố như không giữ được tốc độ gia tăng của ca F0, sẽ có nguy cơ mất kiểm soát về khả năng điều trị.
Trước đó, chiều 27/8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã đi kiểm tra thực tế công tác điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Dã chiến tại Khu Ký túc xá sinh viên phía Tây thành phố và kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số kiệt, hẻm trên tuyến đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê).
Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ngành y tế thành phố khẩn trương tổng hợp rà soát các đề xuất, kiến nghị của bệnh viện, thực hiện mua sắm bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng với từng cấp độ của dịch bệnh; đồng thời phải có sự chuẩn bị để sẵn sàng cho các tình huống như số ca bệnh nặng tăng lên.
“Phải giảm bớt áp lực trong việc điều trị các bệnh nhân nặng. Nếu để xảy ra tình trạng quá tải, thành phố sẽ khó kiểm soát dịch bệnh,” ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Hiện bệnh viện đã thiết lập đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch với 100 giường.
Tính từ ngày 10/7 đến 27/8, đơn vị đã điều trị cho 240 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó, có 113 ca bệnh nặng nguy kịch (thở oxy, thở máy, lọc máu, ECMO).
Kiểm tra Bệnh viện Dã chiến tại Khu Ký túc xá sinh viên phía Tây, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết trong một thời gian rất ngắn, bệnh viện đã thiết lập các tầng điều trị, bố trí các phân khu, có giải pháp điều trị bệnh nhân phù hợp theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; có nhiều giải pháp sáng tạo, chủ động, tiến hành điều trị sớm cho các bệnh nhân. Do đó, dù số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố tăng nhưng số ca tử vong chiếm tỷ lệ rất thấp.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị địa phương tổ chức lập các chốt nhỏ trong ngõ hẻm; bố trí lực lượng công an, quân đội kiểm soát, tuần tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, lắp đặt camera theo dõi, xét nghiệm toàn bộ người dân người khu vực này để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Tình hình dịch bệnh đến 18h ngày 27/8: Đà Nẵng: - Số ca nhiễm: 4.216 ca. Trong nước: - Số ca nhiễm: 410.366 ca. Thế giới: - Số ca nhiễm: 215.615.339 ca |