Trong ngày 26/1 (tức ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023), người dân từ các tỉnh, thành đã lỉnh kỉnh đồ đạc, ùn ùn trở lại Thủ đô Hà Nội để chuẩn bị cho buổi làm việc vào ngày mai.
Ghi nhận của phóng viên, tại Bến xe Giáp Bát, xe khách từ các tỉnh thành như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… nối đuôi nhau vào bến nhưng không xảy ra tình trạng quá tải. Ở các tuyến xe từ huyện lên có rất đông hành khách. Tại các điểm trung chuyển xe buýt, nhiều người dân đứng chờ để di chuyển về nơi sinh sống.
Vừa bước xuống xe, anh Nguyễn Khánh Nam quê ở huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) cho biết lượng khách trên xe không quá đông. Mọi người lên xe đều có chỗ ngồi, không có cảnh chen chúc như mọi năm.
Tuy nhiên, anh Nam cho hay, giá vé xe khách từ các huyện của tỉnh Nam Định năm nay dao động từ 130.000- 150.000/khách. Nếu so với ngày thường, giá vé cao hơn 30.000-50.000 đồng/khách.
“Nhà xe khi thu vé có nói giá ngày Tết và phụ thu do chiều về không có khách. Đa phần hành khách đều chi trả nhằm có chỗ ngồi và xe lên sớm với tâm lý lo ngại cảnh tắc đường,” anh Nam chia sẻ.
Do phải di chuyển một quãng đường xa, phương tiện đông đúc, gương mặt ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi. Bên cạnh hành lý, nhiều người không quên mang đủ thứ quà quê khi trở lại Hà Nội.
Theo ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, lượng hành khách từ các tỉnh trở lại Hà Nội hôm nay đông đúc nhất so với mấy ngày trước đó nhưng không quá tải. Bến xe đã huy động 100% cán bộ, nhân viên trực để hướng dẫn, phục vụ hành khách.
“Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người dân trở lại Thủ đô trong mấy ngày nghỉ chứ không dồn vào một ngày hôm nay. Vì vậy, lượng khách được san sẻ, không quá tải so với nhiều năm trước. Hành khách rời xe khách đều có xe taxi, xe buýt, xe ôm hay xe gia đình đưa đón,” ông Sơn cho hay.
Ông Trịnh Hoài Lam, Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, lượng hành khách quay trở lại Hà Nội bằng xe khách không quá đông, chỉ đạt khoảng 80% so với trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, bến xe đã huy động 100% nhân viên phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, chống ùn tắc bên trong bến xe và khu vực xung quanh.
“Bến xe Nước Ngầm đã bố trí nhân viên hướng dẫn nhà xe, hành khách để xe từ các tỉnh trở lại nhanh chóng giải toả người dân chống tình trạng ùn ứ, hành khách phải chờ đợi lâu,” ông Lam nói.
[Photo] Giao thông cửa ngõ Thủ đô ngày cuối kỳ nghỉ Tết Nguyên đán]
Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho hay, đơn vị đã điều động tăng cường tần suất hoạt động của xe buýt. Tùy từng khung giờ, Transerco sẽ điều hành lượt chuyến xe buýt nhằm đảm bảo giải tỏa hành khách tại các bến xe một cách nhanh nhất để người dân có thể về sớm nghỉ ngơi sau hành trình trở lại Thủ đô.
Đến thời điểm 16 giờ 30, tại đường Nguyễn Xiển, lối ra cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, nút giao Xa La bắt đầu xảy ra tình trạng ùn ứ. Nhiều tuyến đường của Thủ đô như Vành đai 3, tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ, đường Giải Phóng, Nguyễn Trãi… cũng trong tình trạng tương tự.
Tại các nút giao thông trọng điểm, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đã bố trí lực lượng phân luồng giao thông, tránh tình trạng ùn tắc cục bộ. Trong đó, các Đội Cảnh sát giao thông phối hợp với các đơn vị khác nhằm phân luồng từ xa không để các phương tiện dồn về một chỗ. Khu vực cửa ngõ ra khỏi Thủ đô đội bố trí lực lượng 24/24 giờ để điều tiết giao thông tránh tình trạng ùn ứ kéo dài, xử lý sự cố.
Ở các cửa ngõ Thủ đô, dòng người và phương tiện tăng cao so với những ngày trước, càng về chiều lượng phương tiện càng đông đúc ùn ùn vào thành phố Hà Nội.
Một số hình ảnh ghi nhận người dân trở lại Thủ đô vào chiều mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023: