Nghị định số 10 sẽ ''trói'' chặt Grab, xóa vấn nạn ''xe dù, bến cóc''

Các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ có sân chơi bình đẳng về hình thức kinh doanh, các quy định quản lý cũng như điều kiện mở để phát triển dịch vụ thông qua Nghị định mới của Chính phủ.
Nghị định số 10 sẽ ''trói'' chặt Grab, xóa vấn nạn ''xe dù, bến cóc'' ảnh 1Nếu tiếp tục hoạt động, Grab phải là đơn vị kinh doanh vận tải. (Nguồn: straitstimes.com)

Nghị định 10 có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020 tới đây với nhiều điểm mới nhằm siết chặt quản lý, bến cóc, xe dù, xe hợp đồng và các đơn vị kinh doanh phần mềm nhưng lại điều hành người lái, giá cước vận tải...

Gỡ mâu thuẫn giữa taxi truyền thống và xe ứng dụng điện tử

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định 86 cùng với những thay đổi về quy định pháp luật, quy định về kinh doanh vận tải hợp đồng, du lịch còn bất cập cũng như việc chậm trễ trong ứng dụng công nghệ trong quản lý dẫn đến tình trạng một số đơn vị sử dụng xe vận chuyển hợp đồng tổ chức dịch vụ theo hình thức tuyến cố định, cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP được ban hành đã giải quyết được những vấn đề bất cập như các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định (có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải).

[Grab đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn mào với ‘xe công nghệ’]

Đơn cử, chiếu theo quy định như trên, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hiện nay nếu thực hiện các công đoạn (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) thì sẽ là phải đăng ký kinh doanh vận tải và hoạt động theo những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là đơn vị kinh doanh vận tải.

Nếu đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định tại khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 10; Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải quản lý và hướng dẫn đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải quy định tại điều 35.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết Nghị định 10 khi đi vào cuộc sống sẽ tạo sự bình đằng giữa các hình thức đơn vị kinh doanh. Các doanh nghiệp có quyền quyết định làm thế nào để dịch vụ tốt và an toàn, đảm bảo nghĩa vụ thuế của Nhà nước. Nghị định này sẽ loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông và đưa trách nhiệm của chủ xe khi xảy ra các sự cố như tai nạn giao thông.

Xử lý sạch vấn nạn “xe dù bến cóc”

Bên cạnh đó, Nghị định số 10 đã bổ sung hoặc điều chỉnh một số nội dung quy định nhằm xử lý hiệu quả hơn tình trạng “xe dù, bến cóc” và “xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định”

[Hàng nghìn xe Limousine chạy ‘đè giờ, núp bóng’ tuyến vận tải cố định]

Cụ thể, theo quy định tại khoản 5 Điều 7 và khoản 5 Điều 8 của Nghị định 10, đến ngày 1/1/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông Vận tải; trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp,các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành.

Nghị định số 10 sẽ ''trói'' chặt Grab, xóa vấn nạn ''xe dù, bến cóc'' ảnh 2Thanh tra giao thông tiến hành lập biên bản xe Limousine dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. (Ảnh: Đức Hùng/Vietnam+)

Ngoài ra, việc xử lý hoạt động “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhiều quy định đã được bổ sung để quản lý chặt chẽ đối với xe hợp đồng, du lịch tại Điều 7, Điều 8 của Nghị định số 10, trong đó có quy định như phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 6 x 20 cm; phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe,…

Ôtô kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát trên xe

Mặt khác, Nghị định 10 quy định trước ngày 1/7/2021, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh từ camera sẽ được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

[Xe chở khách trên 9 chỗ phải lắp camera giám sát, Grab dán phù hiệu]

“Việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông (ví dụ: ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định, các tình huống bất thường khác…..) giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm,” ông Huyện nhìn nhận.

Hơn nữa, với việc lưu trữ hình ảnh của camera, theo ông Huyện, cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải theo Nghị định 46, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ôtô./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục