Người dân TP.HCM đồng thuận với nhiều nội dung dự thảo Luật Đất đai

Qua đánh giá, người dân TP.HCM đồng thuận với đa số nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho biết dự thảo vẫn còn nhiều mặt cần được đánh giá và điều chỉnh lại.
Người dân TP.HCM đồng thuận với nhiều nội dung dự thảo Luật Đất đai ảnh 1Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết điều hành buổi làm việc. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Ngày 24/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để nghe báo cáo về tình hình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết cho biết thời gian qua, các sở, ban ngành Thành phố và các đơn vị có liên quan đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 3 hội nghị từ ngày 9/2 đến ngày 3/3/2023 để lấy ý kiến đối với Hội Luật gia Thành phố và các quận, huyện; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện; các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo; Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật Thành phố; Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố…

[12 tỉnh, thành phố góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi]

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng phân công đại biểu tham dự nhiều hội nghị, hội thảo do Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên Mặt trận, các sở, ngành hữu quan tổ chức.

Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng tham dự các hội nghị lấy ý kiến do cơ quan, đơn vị nơi mình công tác tổ chức để ghi nhận các ý kiến đóng góp.

Trong các ngày 3, 7 và 8/3 tới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngoài ra, người dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thể gửi ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Luật Đất dai (sửa đổi) cho Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố thông qua đường bưu điện hoặc thư điện tử.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổng hợp ý kiến góp ý từ các tầng lớp nhân dân cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tính đến ngày 22/02/2023 để báo cáo đến Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Qua đánh giá, người dân đồng thuận với đa số nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho biết dự thảo vẫn còn nhiều mặt cần được đánh giá và điều chỉnh lại.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy cho biết nhiều ý kiến nhân dân cho rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nhiều nội dung khá cụ thể về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo ba cấp quốc gia, tỉnh và huyện.

Các quy định này giúp làm rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch có sử dụng đất; hệ thống quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, không bị chia cắt; khắc phục những bất cập trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thời gian qua.

Tuy nhiên, nhiều người dân cũng đề nghị nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất; quy định quy hoạch sử dụng đất cần cập nhật định hướng về hệ thống đô thị phát triển theo hướng tuyến và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Bên cạnh đó, một số người dân kiến nghị, đối với quy hoạch định hướng, tầm nhìn sử dụng đất cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện từ 10 năm trở lên thì Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định cụ thể đối với người sử dụng đất trong vùng đã có quy hoạch; tránh tình trạng quy hoạch làm hạn chế quyền sử dụng đất của người dân.

Theo ông Bảy, hiện nay có tình trạng quy hoạch tầm nhìn đến 30-50 năm và người dân bị hạn chế, thiệt hại rất nhiều do bị tác động ảnh hưởng bởi quy hoạch. Vấn đề quy hoạch tầm nhìn không được cập nhật ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến tranh chấp trong các giao dịch về quyền sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương cho biết một nội dung khác trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều người dân quan tâm là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Nhiều ý kiến người dân đồng tình với quy định những nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất; nhất trí với nguyên tắc quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất trong khoản 4 Điều 89 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời đảm bảo điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ với người bị thu hồi đất (khoản 2 Điều 89).

Tuy nhiên, nhiều người dân cũng đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi; trong đó, quy định cụ thể các tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ,” ví dụ như diện tích nhà ở tối thiểu/người; mức thu nhập ở nơi tái định cư, việc đào tạo nghề, tạo việc làm... để ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) làm rõ hơn các tiêu chí, điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Đặc biệt, cần phải xét đến yếu tố phong tục, tập quán của từng vùng, miền khi tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong trường hợp địa bàn cũ không có đất để bố trí tái định cư phải đảm bảo tìm được một địa bàn mới có điều kiện tương đương.

Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Thảo, hầu hết các ý kiến người dân thống nhất với quy định về thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, quyết định công nhận quyền sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất hoặc điều chỉnh quyết định giao đất.

Người dân TP.HCM đồng thuận với nhiều nội dung dự thảo Luật Đất đai ảnh 2Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Thảo phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Mặt khác, đa số người dân cũng thống nhất ý kiến đề nghị Dự thảo Luật Đất đai bổ sung việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho một số lĩnh vực ưu đãi đầu tư về cơ sở giáo dục, đào tạo, thể dục, thể thao... (không phân biệt theo địa bàn đầu tư) và miễn tiền thuê đất cho đơn vị sự nghiệp (tự chủ tài chính), đất xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, các công trình, hạ tầng cảng biển, đường sắt.

Ông Thảo cũng cho biết một trong những điểm mới được đề cập trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là việc bổ sung quyền chuyển nhượng, thế chấp tài sản gắn liền với đất và “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm” để thể chế hóa chủ trương về đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm.

Các ý kiến nhân dân nhất trí với nội dung này vì các quy định hiện hành chưa thực sự hợp lý khi không cho phép doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án đầu tư thuê đất trả tiền hàng năm chuyển nhượng hoặc góp vốn dự án đầu tư; từ đó hạn chế cơ hội tiếp cận đất đai để thực hiện dự án đầu tư với tư cách là nhà đầu tư thứ cấp. Đây chính là một trong những rào cản pháp lý trong việc tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, theo ông Thảo đây là một quy định mới, cần phải được nghiên cứu, cân nhắc chặt chẽ để tránh việc đối tượng xấu lợi dụng chính sách.

Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm cũng có thể dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm thu đầy đủ khoản tiền thuê đất hằng năm, nhất là trong trường hợp bên thế chấp mất khả năng thanh toán.

Do đó, cần đánh giá tác động của quy định này trên các khía cạnh kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc thẩm định, quản lý và xử lý tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng việc lấy kiến nhân dân là việc làm hết sức cần thiết vì nhân dân là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng và liên quan đến Luật Đất đai trong quá trình thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong Luật Đất đai. Do đó, nhân dân sẽ là người gặp các vướng mắc, tiếp nhận các ý kiến, yêu cầu trong quá trình thực hiện Luật Đất đai trên thực tế và đặt ra những yêu cầu trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

Đây là hiện thực khách quan mà cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan ban hành pháp luật cần nghiên cứu, tổng hợp để đưa ra điều luật phù hợp với thực tế khách quan luôn biến động không ngừng.

Ông Nguyễn Đức Hải đánh giá qua thời gian thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận, tổng hợp được nhiều đóng góp, đề xuất thiết thực và hiệu quả đến từ nhiều tầng lớp nhân dân, trí thức, lao động trong xã hội, xứng đáng với vị thế là trung tâm phát triển động lực của đất nước.

Trong thời gian tới, để đảm bảo chất lượng, tiến độ lấy ý kiến nhân dân, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đôn đốc về tiến độ triển khai theo tinh thần Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng thông tin tuyên truyền về nội dung này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.