Khảo cổ vốn là một ngành đặc thù và có phần buồn tẻ đối với số đông người trẻ ngày nay. Nhưng không vì thế mà nó không đem lại ý nghĩa gì trong cuộc sống hiện đại.
Khi xu thế trở về với quá khứ để tìm hiểu lịch sử, phong tục, cổ phục của các bạn trẻ ngày càng tăng thì càng cần những nghiên cứu có tính hệ thống và chuyên sâu như Đào Xuân Ngọc đang làm. Đó sẽ là những tiền đề, giúp ích cho công tác tái lập, mô phỏng, phục dựng các công trình kiến trúc cổ qua từng thời kỳ - đặc biệt là trong phim lịch sử, phim cổ trang.
Năm 2020, khi bản phục dựng 3D di tích tháp cổ chùa Dạm (Bắc Ninh) - một trong những ngôi chùa lớn nhất của thời Lý - được công bố nhân dịp công bố dịp 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, giới nghiên cứu khoa học, kiến trúc và Phật giáo bắt đầu biết đến Đào Xuân Ngọc nhiều hơn. Đây là một dự án phục dựng 3D do công ty 3DART thực hiện dựa trên kết quả nghiên cứu và bản vẽ phục dựng của Ngọc.
Nhà khảo cổ trẻ Đào Xuân Ngọc sinh năm 1987 tại vùng đất Tổ vua Hùng - Việt Trì, Phú Thọ, hiện đang sống tại Hà Nội. Tính đến nay, chàng trai này đã có hơn 12 năm trong nghề kể từ khi còn là sinh viên ngành Lý luận - Lịch sử mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Bên cạnh tháp cổ chùa Dạm, một số những kết quả nghiên cứu đáng chú ý của Ngọc bao gồm: Nghiên cứu về phong cách và niên đại Ba pho tượng Tam Thế Phật chùa Ngọc Khám (giải nhất Nghiên cứu Khoa học sinh viên, 2010 - 2011), bản phục dựng mô hình tháp chùa Thượng Miện tự, chùa Hắc Y (2016 - 2017), tham gia phục dựng 2D phần đế bia Sùng Thiện Diên Linh…
[Nhóm nghiên cứu 8x dùng công nghệ 3D phục dựng tháp cổ chùa Dạm]
Là người làm công tác khảo cổ, Ngọc thường xuyên phải đi thực địa xa nhà. Việc của anh là đo vẽ, phân loại, chỉnh lý các loại hình di tích và di vật tại các ngôi chùa cổ như chùa Phật Tích, chùa Lãm Sơn, chùa Thượng Miện... hay các di chỉ khảo cổ như Bạch Đằng Giang, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, di chỉ Cồn Cổ Ngựa…
Khác với nhiều cá nhân chỉ được đào tạo về ngành khảo cổ, Ngọc xuất thân từ ngành nghiên cứu mỹ thuật nên có đam mê và hiểu biết về nhiều vấn đề liên quan như mỹ thuật tôn giáo, kiến trúc Phật giáo. Bên cạnh đó, anh biết cách vẽ, in rập nên thường một mình làm toàn bộ việc tại hiện trường chứ không có ai cùng tham gia. Đó là lý do vì sao Ngọc bộc bạch đây là công việc “cô độc tới mức trầm cảm.”
“Trầm cảm” là vậy, nhưng anh luôn hào hứng nói về công việc của mình với bất cứ ai muốn nghe. Gần 13 năm về trước khi mới là sinh viên năm thứ hai, Ngọc từng có 5 năm theo chân đàn anh tại Viện Mỹ thuật để vừa học vừa làm, thậm chí ăn, ngủ luôn tại chùa Phật Tích và khu di tích chùa Dạm (đều ở Bắc Ninh).
Đây cũng là khoảng thời gian Ngọc bắt đầu học cách làm quen với sự cô độc. Trong suốt 5 năm đó anh dành hầu hết thời gian ban ngày làm việc ở các công trường, khu di chỉ, buổi tối phải đi làm thêm để cải thiện thu nhập. Anh ít về quê thăm bố mẹ, ít giao lưu với bạn bè hơn hẳn.
Tuy thế, người thanh niên luôn cảm thấy may mắn vì có những người hướng dẫn tốt. Chính hai chuyến đi này đã thắp lên niềm đam mê với mỹ thuật cổ Việt Nam trong lòng anh, đồng thời tạo cơ hội tiếp xúc với mỹ thuật thời Lý - thời kỳ được xem là đỉnh cao về tạo hình và hình thái kiến trúc Phật giáo.
Đến khi có gia đình riêng, Ngọc cũng không hay chia sẻ với vợ về công việc của mình. Mỗi người một khối ngành, vợ anh lại làm công việc liên quan tới tính toán số liệu thực tế nên ít “cảm” được công việc của chồng. Thế nhưng bù lại, cả hai vợ chồng anh vẫn luôn dành cho nhau sự tôn trọng và không gian tự do theo đuổi đam mê riêng. “Xa là nhớ, nhưng gần nhau thì cười,” anh tự nhủ với mình như vậy.
Trong thời gian sắp tới, Ngọc cùng các đồng nghiệp sẽ chia sẻ nhiều hơn về những câu chuyện của lịch sử mỹ thuật. Với những thế mạnh trong việc nghiên cứu về kỹ thuật học của các loại hình di tích và di vật, anh mong muốn mở một không gian xưởng nghiên cứu thực nghiệm để tự thử nghiệm, tìm tòi và khám phá nhiều hơn trong ngành khảo cổ này.
Một số hình ảnh trong quá trình thực địa của Đào Xuân Ngọc tại điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội):