Nhà thầu cao tốc Bắc-Nam thi công ì ạch sẽ bị chấm dứt hợp đồng

Bộ Giao thông Vận tải sẽ có giải pháp mạnh tay đối với các nhà thầu thi công làm chậm tiến độ dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Hàng loạt các nhà thầu vi phạm chậm tiến độ tại dự án cao tốc Bắc-Nam đã liên tục bị cảnh báo, phê bình, thậm chí đưa vào diện theo dõi đặc biệt. Nếu vi phạm cam kết đã ký, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý mạnh tay bằng cách chấm dứt hợp đồng, tịch thu bảo lãnh và không cho tham gia dự án khác.

Nhiều nhà thầu bị đưa vào "tầm ngắm"

Báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy hiện trong 10 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang triển khai, 6 dự án thành phần vẫn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tính đến ngày 18/10, dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45 (dài 63,4km) có sản lượng thực hiện đạt 68,4% giá trị hợp đồng, chậm 1,4%. Dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết đạt 47,74% giá trị hợp đồng, chậm 5,3% so với kế hoạch điều chỉnh. Đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, sản lượng đạt 53% giá trị hợp đồng, chậm 1,33% so với kế hoạch điều chỉnh.

Dự án thành phần Quốc lộ 45-Nghi Sơn, sản lượng thực hiện đạt 47,3% giá trị hợp đồng, chậm 1,99%. Đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt sản lượng thực hiện dự án đến nay đạt khoảng 11% giá trị hợp đồng, chậm 5,1% so với tiến độ điều chỉnh.

Phân tích nguyên nhân của sự chậm trễ trên, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, sự bất thường của thời tiết, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vướng mắc trong giải quyết thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu, biến động lớn về giá vật tư, vật liệu xây dựng là 5 nguyên nhân lớn khiến tiến độ thi công các dự án thành phần chưa đạt đúng kỳ vọng.

[Bộ GT-VT: Hàng loạt dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam bị chậm tiến độ]

Bên cạnh đó, hàng loạt nhà thầu vẫn ì ạch thi công, ảnh hưởng đến quá trình bứt tốc dự án cao tốc Bắc-Nam dù Ban điều hành dự án đã có văn bẳn cảnh báo nhắc nhở, phê bình.

Đơn cử, tại dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45, một số nhà thầu vẫn chưa có động thái chuyển biến về sản lượng thi công dù Ban Quản lý dự án liên tục đôn đốc, thậm chí có văn bản phê bình, thông báo vi phạm tiến độ.

Điển hình là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (gói thầu XL11), Công ty cổ phần Tân Thành và Tổng công ty đầu tư xây dựng Hoàng Long (gói XL12), Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung (gói XL14).

Hay đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) với năng lực tài chính, tổ chức thi công chưa đáp ứng yêu cầu đã bị Ban Quản lý dự án 7 đưa vào diện theo dõi đặc biệt.

Tại cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đã có văn bản cảnh cáo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn do chậm tiến độ thi công gói thầu XL-02, Công ty cổ phần xây dựng Tân Nam thực hiện gói thầu XL-03…

“Việc liên tiếp chậm tiến độ thi công theo cam kết thuộc trách nhiệm chủ quan của các nhà thầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch giải ngân, thời gian để thi công kết cấu mặt đường và thời gian hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải,” đại diện các Ban quản lý, điều hành cao tốc Bắc-Nam nhấn mạnh và yêu cầu nhà thầu khẩn trương lập tiến độ thi công các hạng mục còn lại để công trình về đích theo đúng kế hoạch đề ra.

Cắt, chuyển khối lượng và không cho làm dự án mới

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết cho biết thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, ban điều hành đã yêu cầu các nhà thầu ký biên bản cam kết về kế hoạch huy động, tổ chức chi tiết các mũi thi công cho từng hạng mục gắn với các mốc thời gian đến ngày 15 và 30 hàng tháng. Nhà thầu nào chậm sẽ tìm giải pháp khắc phục hoặc có biện pháp xử lý, thay thế.

“Tinh thần ở thời điểm nước rút là nhà thầu nào không làm được thì nghiêm khắc xử lý theo vi phạm hợp đồng, cắt chuyển khối lượng, cần thiết sẽ chấm dứt hợp đồng,” ông Huy quả quyết.

Để đốc thúc tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện hàng loạt các giải pháp như lãnh đạo bộ và các cơ quan tham mưu tăng cường kiểm tra hiện trường, tổ chức họp giao ban hàng tuần, nghiêm khắc phê bình kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các Ban Quản lý dự án; yêu cầu các ban, nhà thầu ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án.

Đối với các hạng mục bị chậm, nhà thầu phải kiểm soát tiến độ theo ngày/tuần/tháng, có kế hoạch khắc phục để bù lại, đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ yêu cầu. Trường hợp chậm trễ không thể khắc phục, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiên quyết kiên quyết cắt chuyển khối lượng, bổ sung nhà thầu phụ, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm theo quy định của hợp đồng.

[Chọn nhà thầu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 cần đảm bảo tiêu chí nào?]

Đề ra yêu cầu các Ban quản lý dự án thực hiện theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện của từng nhà thầu hàng ngày, hàng tuần, đại diện Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết trường hợp không thực hiện đúng cam kết, Ban Quản lý dự án báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét không cho tham gia thực hiện các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, nặng hơn nữa là chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo lãnh.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức, thực tế hiện nay, có trường hợp năng lực đảm nhận công việc của nhiều doanh nghiệp giao thông là rất lớn, song do tham gia quá nhiều công trình/gói thầu/dự án khác nhau nên nhà thầu lại không dành được nguồn lực cho dự án mới.

Vì vậy, các dự án giao thông tới đây, đặc biệt là các dự án được xác định có ý nghĩa tạo động lực phục hồi cho kinh tế-xã hội, đòi hỏi thời gian thi công nhanh, chất lượng phải đảm bảo tuyệt đối, ông Đức đề nghị các cấp có thẩm quyền cần sàng lọc kỹ các nhà thầu tham gia.

Chung quan điểm này, ông Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho hay muốn đảm bảo tiến độ thì không nên giao cho doanh nghiệp thực hiện cùng lúc quá nhiều dự án, phải xét kỹ tổng thể khối lượng dự án so với năng lực của doanh nghiệp để cân đối giao thầu.

“Trường hợp doanh nghiệp đưa ra cam kết mạnh mẽ có thể đảm đương thêm khối lượng công việc ngoài các gói thầu đang tham gia và được giao thêm gói thầu mới, nhà thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi tiếp tục để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, trước hết là phạt theo điều khoản hợp đồng,” ông Thịnh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục