Nhiều cầu trên tuyến Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đang bị gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng khiến nhà thầu chưa thể thi công đồng loạt, một số máy móc phải “đắp chiếu”, nhân lực ngóng chờ thi công từng ngày.
Mặt bằng “xôi đỗ”, nhà thầu gặp trở ngại thi công
Dự án Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Công trình có chiều dài khoảng 77km được chia thành 6 gói thầu xây lắp (từ gói XL19-XL24).
Dự án này có điểm khác biệt so với các dự án cao tốc khác đang triển khai là các cầu trên tuyến được gộp vào 01 gói thầu. Cụ thể, gói thầu XL24 trị giá khoảng 736 tỷ đồng, khối lượng thi công gồm 22 cầu, công địa thi công trải dài trên toàn tuyến. Gói thầu này được chủ đầu tư giao cho liên danh Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm triển khai 20 cầu (trị giá 626,3 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Xây dựng Cầu 75 triển khai 2 cầu (trị giá 109,7 tỷ đồng).
Theo báo cáo, hiện tại, có 10/20 cầu đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng đạt 50% gồm Cầu Mỹ Lâm, Đức Ninh, Ngòi Là 2, Khe Lãnh, Ơ Rô, Ngòi Lũ, cầu vượt Quốc lộ 37 Km12+450, cầu trên nhánh nút giao Quốc lộ 3B (Km34+631), cầu vượt ĐT.189 (Km69+672,89), cầu trên nhánh nút giao Bạch Xa (Km70+949.58).
Ngoài ra, chủ đầu tư đã bàn giao phần dưới nước Cầu Hàm Yên (Km49+663,5) và Cầu Vĩnh Tuy (Km76+798,74) đạt 100%.
Ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban điều hành Gói thầu XL-24 (Tập đoàn Đèo Cả) thuộc Dự án Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1 cho biết trong 20 cây cầu do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm thi công, hiện chính quyền địa phương mới bàn giao mặt bằng của 12 cầu. Tuy nhiên, ông Tranh thừa nhận một số cầu đã gặp khó khăn, vướng mắc đường công vụ ngoại tuyến, dọc tuyến chính, đường tiếp cận vào thi công.
Cụ thể, đường tiếp cận khó khăn như cầu Mỹ Lâm, Đức Ninh, cầu trên nhánh nút giao Quốc lộ 3B Km34+631;… Nhiều cầu nhỏ trải dài trên tuyến, theo phương án thiết kế được duyệt có đường công vụ dọc theo tuyến chính (phần nhà thầu đường thực hiện) nên Nhà thầu Đèo Cả không thể chủ động thực hiện và sửa chữa trong quá trình triển khai.
Khởi công Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, vốn đầu tư 6.800 tỷ đồng
Tại công trường thi công Cầu Hàm Yên (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang), vượt qua Sông Lô với 7 nhịp đúc hẫng, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, Tập đoàn Đèo Cả đã bố trí nhân lực và máy móc thành 7 mũi thi công (6 mũi thi công trụ cầu và 1 mũi thi công bãi đúc dầm).
Theo ông Tranh, Cầu Hàm Yên được khởi công từ cuối tháng 10/2023, tuy nhiên, đến ngày 15/1 mới nhận bàn giao một phần mặt bằng nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Hiện Tập đoàn Đèo Cả đang đã tập trung tối đa nhân sự, máy móc, thiết bị, vật liệu, với nhân sự là 60 người làm việc “3 ca, 4 kíp” để tổ chức thi công bệ và thân trụ, cọc khoan nhồi các trụ cầu, đúc dầm…
“Sản lượng của Cầu Hàm Yên đến nay đạt 12%. Tập đoàn Đèo Cả phấn đấu hợp long cầu vào dịp Tết Nguyên đán và hoàn thành ngày 30/4/2025, vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch đề ra,” ông Tranh nói.
Tại cầu cạn Km48+310.50, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã hoàn thiện Khoan cọc nhồi, đổ bê tông bẹ trụ T1, T2 và đang hoàn thiện bãi đúc dầm. Tuy vậy, các trụ cầu kế bên vẫn chưa thể thi công do vướng mặt bằng đất rừng..
“Chủ đầu tư và chính quyền địa phương đều họp mỗi tháng/lần và đưa ra kế hoạch bàn giao mặt bằng thi công theo từng đợt nhưng các mốc bàn giao thường trượt tiến độ. Đặc biệt, một số cầu dù đã nhận mặt bằng nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về đường công vụ ngoại tuyến, dọc tuyến chính, đường tiếp cận vào thi công, điển hình như cầu Mỹ Lâm, Đức Ninh,… khiến tiến độ thi công gặp nhiều khó khăn," ông Tranh cho hay.
Sẽ hoàn thành 20 cầu vào năm 2025
Mặc dù vướng mặt bằng, tại Gói thầu XL-24, Tập đoàn Đèo Cả đã triển khai 160 công nhân, thợ lái máy, lao động phổ thông, 30 cán bộ kỹ thuật nhân sự quản lý trên 11 cầu với 120 máy móc thiết bị. Số lượng máy móc nhân sự sẽ tăng khi chủ đầu tư bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Nhà thầu cam kết sẽ thi công hoàn thành đúng kế hoạch toàn bộ 20 cầu của dự án trong năm 2025.
“Sau khoảng 4 tháng thi công, toàn gói thầu XL-24 sản lượng hiện nay đạt 5% do mặt bằng mới bàn giao được 50%, đường công vụ tiếp cận còn khó khăn, dẫn đến việc thi công còn gặp nhiều trở ngại,” ông Tranh đánh giá.
Thủ tướng dự Lễ khởi công Dự án đường bộ Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang
Để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đang nỗ lực phối hợp với chủ đầu tư, tư vấn, chính quyền địa phương làm việc với các hộ dân để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng nêu trên.
Đối với các cầu đã được bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đã phối hợp với nhà thầu bàn giao măt bằng sạch thi công 10/22 cầu trên tuyến và cùng chính quyền địa phương thuyết phục người dân cho mượn đường tiếp cận, mặt bằng thi công để nhà thầu có kế hoạch phương án và lập tiến độ triển khai chi tiết cho các cầu phù hợp tiến độ chung của gói thầu đảm bảo tiến độ dự án.
“Với các cầu chưa được bàn giao mặt bằng, Ban quản lý dự án phối hợp chính quyền các cấp đẩy nhanh công tác bàn giao sớm cho nhà thầu để bố trí máy móc thiết bị triển khai đẩy nhanh công việc đáp ứng tiến độ dự án,” ông Tranh kiến nghị.
Dự án Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có điểm đầu tại Km0+00, tại nút giao đường Cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ với Quốc lộ 2D thuộc địa phận xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Điểm cuối tại Km77+00 (điểm cuối phạm vi thiết kế Cầu Vĩnh Tuy) khớp nối với Dự án Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang./.