Nhiều Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam vẫn đang chậm tiến độ thi công

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban Quản lý dự án tại cao tốc Bắc-Nam chỉ đạo thầu cập nhật tiến độ triển khai chi tiết, rút ngắn thời gian thực hiện để hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Nhà thầu thi công nền mặt đường một Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhà thầu thi công nền mặt đường một Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hàng loạt các Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch hợp đồng đề ra bởi nhiều nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn cung ứng vật liệu, thời tiết bất lợi.

7 dự án chậm tiến độ

Với các Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho thấy diện tích mặt bằng đã bàn giao đến nay đạt 682,6/721,2km đạt 94,6%; tổ chức thi công được trên phạm vi khoảng 656,9/721,2km đạt 91,1%. Ngoài 3 khu tái định cư đã có sẵn, đến nay mới hoàn thành 76/147 khu, các địa phương đang lập dự án và triển khai thi công 71/147 khu tái định cư.

Khẳng định Bộ Giao thông Vận tải có nhiều công điện, văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh đề nghị đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, tuy nhiên phía Cục Quản lý đầu tư xây dựng nhìn nhận việc triển khai thực hiện đối với phần khối lượng còn lại vẫn chậm do chủ yếu là đất ở, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân, cần bố trí tái định cư trong khi các khu tái định cư chưa hoàn thành. Ngoài ra, các công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế có thủ tục triển khai liên quan đến nhiều cơ quan nên mất nhiều thời gian.

Về tiến độ, sản lượng thực hiện của 12 dự án được khoảng 18.548/98.372 tỷ đồng, đạt 18,85% hợp đồng, chậm 3,89% so với kế hoạch. Trong đó, có 5/12 dự án thành phần đáp ứng kế hoạch (gồm Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Vân Phong-Nha Trang vượt trên 1,5% so với kế hoạch); có 7/12 dự án thành phần chậm so với kế hoạch (gồm Bãi Vọt-Hàm Nghi chậm 1%; Hàm Nghi-Vũng Áng chậm 2%; Hoài Nhơn-Quy Nhơn chậm 1,2%; Quy Nhơn-Chí Thạnh chậm 1,5%; Chí Thạnh-Vân Phong chậm 6,3%; Cần Thơ-Hậu Giang chậm 12,76%; Hậu Giang-Cà Mau chậm 19,76%).

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2023, tổng vốn đầu tư Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đã giải ngân 41.637,92/47.856,07 tỷ đồng, đạt 87%.

“Giá trị cần giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành kế hoạch năm 2023 là khá lớn, (khoảng 5.721 tỷ đồng), trong khi thời gian còn lại không nhiều. Do đó, các chủ đầu tư làm việc cụ thể với từng địa phương để xem xét khả năng giải ngân từ nay đến cuối năm, kịp thời điều chuyển để giải ngân hết số vốn đã giao,” phía Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin thêm.

Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng nêu ra nguyên nhân chậm tiến độ một số dự án cao tốc này là do các địa phương chưa thực hiện chuyển đổi rừng với các diện tích tăng thêm; công tác triển khai xây dựng các khu tái định cư chậm so với tiến độ đề ra; chưa di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp (nhất là hệ thống điện cao thế).

Thậm chí, nhiều nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ về chi phí chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất; thiếu nguồn cát để thi công nền đường (công suất chưa đáp ứng đủ, thủ tục mở các mỏ cát mới chậm).

Ngoài việc tháo gỡ khó khăn về nguồn cung vật liệu, để đốc thúc tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban Quản lý dự án chỉ đạo thầu lập, cập nhật tiến độ triển khai chi tiết, rút ngắn thời gian thực hiện để chủ động, có phương án, giải pháp quản lý, điều hành hiệu quả cho từng dự án, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ.

duc-dam-cau-cao-toc-02012024-700.jpg
Nhà thầu thi công hạng mục đúc dầm cầu tại Dự án Cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ vẫn đang là mùa mưa, các chủ đầu tư và các đơn vị thi công triển khai các hạng mục không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và chuẩn bị kế hoạch triển khai ngay các công tác khác khi điều kiện thời tiết thuận lợi.

Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu phối hợp chặt chẽ trong quá trình hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, thanh toán đảm bảo không quá 10 ngày theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải để đảm bảo dòng tiền cho các nhà thầu thi công; giám sát chặt chẽ biện pháp tổ chức thi công, đảm bảo an toàn lao động; kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, vi phạm tiến độ hợp đồng theo quy định…

Hai dự án cao tốc phải hoàn thành năm nay

Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, các Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đến nay có tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến hết năm 2023 đạt khoảng 54.660,4/58.843,8 tỷ đồng, tương đương 92,9% giá trị hợp đồng, chậm 1,4%. Trong đó, 7 dự án đã thông xe đưa vào khai thác trong năm 2023 sản lượng trung bình đạt 99,1% giá trị hợp đồng; 2 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 76,0% giá trị hợp đồng, chậm 3,5%.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa 9 dự án thành phần với tổng chiều dài 526km thông xe đưa vào khai thác gồm: Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15,2km) và Cam Lộ-La Sơn (98,3km) đã đưa vào khai thác năm 2022; Mai Sơn-Quốc lộ 45 (63,37km), Nha Trang-Cam Lâm (49,1km), Vĩnh Hảo-Phan Thiết (108,8km) và Phan Thiết-Dầu Giây (99km) đã đưa vào khai thác trong quý 2/2023; Quốc lộ 45-Nghi Sơn (43,28km); Nghi Sơn-Diễn Châu (50km) đã đưa vào khai thác 1/9/2023); Cầu Mỹ Thuận 2 (6,61km) đưa vào khai thác ngày 24/12/2023.

“Với 7 dự án Cao tốc Bắc-Nam đưa vào khai thác trong năm 2023, tuyến chính cao tốc đã đưa vào khai thác, hiện đang thi công đường gom, đường ngang dân sinh, mương dẫn nước, vuốt nối nhánh nút giao...,” lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết.

vnp-tham-nhua-cao-toc-bac-nam-ngay-02012024-851.jpg
Thi công thảm nhựa mặt đường tại một dự án Cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công đảm bảo hoàn thành các hạng mục còn lại. Riêng các hạng mục mới bổ sung theo kiến nghị của địa phương tại Dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây phải sớm hoàn thành trước ngày 30/6/2024; thực hiện nghiêm việc hoàn trả các tuyến đường của địa phương sử dụng làm đường công vụ phục vụ thi công theo đúng cam kết với địa phương và quy định của hợp đồng; phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị bảo hiểm để giải quyết việc bồi thường các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công…

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động làm việc với Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để hoàn tất thủ tục kiểm tra điều kiện hoàn thành công trình và hoàn thành các thủ tục bàn giao công trình cho đơn vị quản lý khai thác.

Hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam theo hình thức PPP còn lại là Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo với tổng chiều dài là 128km đang tiếp tục triển khai thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đẩy nhanh tiến độ nhằm về đích theo đúng kế hoạch đề ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục