Có hàng chục năm trong nghề, không thể nhớ được hết số lượng xe buýt đã qua bàn tay sửa nhưng chưa lần nào nhiệm vụ không hoàn thành, anh Bùi Văn Hải, Tổ trưởng Tổ máy gầm, Xí nghiệp Xe buýt Thăng Long Hà Nội-Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) bảo: “Hàng ngàn xe buýt của Transerco luôn bảo đảm chất lượng để hàng ngày ra tuyến phục vụ nhân dân Thủ đô là niềm vui của những người thợ...”
Mỗi phương tiện đều có “bệnh án, lý lịch” rõ ràng
Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, đôi gang tay dính dầu, mỡ, chiếc áo đồng phục màu xanh lem lấm bụi, anh Hải cùng anh em công nhân đang “khám bệnh” cho 5 chiếc xe buýt đến kỳ sửa chữa, bảo dưỡng. Sau đó, công việc được Tổ trưởng chia ra rất nhanh khi nhóm thì lo việc thay lốp, người lại tỉ mẩn kiểm trang từng chiếc má phanh.
“Bất kỳ hư hỏng nào của chiếc xe buýt dù nhỏ nhất cũng phải được phát hiện ngay để kịp thời khắc phục,” anh Hải bảo.
Theo anh Hải, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đốc công, công nhân sửa chữa của Xí nghiệp Xe buýt Thăng Long Hà Nội khoảng hơn 30 người, hằng ngày đảm nhiệm chăm sóc “sức khỏe” cho 152 xe buýt các loại hoạt động trên 9 tuyến. Từng đó con người chia ca kíp làm việc, bảo đảm lúc nào cũng có người trực sửa chữa từ lúc xe ra tuyến hoạt động lúc sáng sớm cho đến đêm khi xe về đến bãi tập kết.
“Mỗi xe đều có hồ sơ quản lý, giống như là hồ sơ bệnh án đối với con người. Những lần thay thế phụ tùng, thiết bị hay số lần sửa chữa, số kilômét vận hành của từng quả lốp… đều được thể hiện trong hồ sơ,” anh Hải nói.
[Hà Nội: Tranh tài 'kỹ nghệ' bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ xe buýt]
Với thâm niên 18 năm gắn bó với nghề sửa chữa xe buýt, thợ sửa chữa bậc 6 (bậc cao nhất) Lã Trần Quỳnh (Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội) cho biết theo quy trình sửa chữa được áp dụng cho toàn hệ thống, xe cứ hoạt động đủ số kilômét là phải vào bảo dưỡng. Cụ thể, đến 4.000km bảo dưỡng cấp 1; đến 12.000km bảo dưỡng cấp 2.
Hồ sơ “lý lịch” bảo dưỡng của phương tiện gồm 2 loại gồm cả điện tử và viết tay. Hai bản này đều được cập nhật liên tục và phải bảo đảm khớp nhau về mọi thông tin lịch sử của từng trang thiết bị trên xe đã được sửa chữa, tháo lắp, trong đó thể hiện rõ các hạng mục thay thế định kỳ; số kilômét chạy hàng tháng; số lượng lốp xe và mỗi lốp chạy được bao nhiêu kilômét…
Đủ tiêu chuẩn an toàn xe mới được ra đường
Ông Nguyễn Trung Thắng, Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ của Transerco cho biết, đoàn phương tiện của Transerco gồm hơn 1.000 xe buýt các loại, với 8 đơn vị quản lý xe buýt (đều có ga-ra riêng) và 1 đơn vị sửa chữa tập trung là Xí nghiệp Trung đại tu. Tại xí nghiệp này có hệ thống nhà xưởng rộng 6.000m2 với đầy đủ trang thiết bị hiện đại đảm nhiệm bảo dưỡng sửa chữa từ cấp bảo dưỡng định kỳ đến trung tu và đại tu cho xe của các đơn vị.
Giữ vai trò là đơn vị chủ lực của thành phố trong phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, những năm qua, Tổng công ty luôn chú trọng và dành sự quan tâm, đầu tư đồng bộ của về phương tiện mới lẫn công tác hậu cần bảo dưỡng sửa chữa.
[Photo] Tuyển thủ xe buýt bảo dưỡng, sửa chữa như xe đua công thức 1]
Đề cập đến hệ thống quy trình quản lý phương tiện của Transerco, theo ông Thắng, thường ngày phương tiện phải bảo đảm tiêu chuẩn yêu cầu mới được ra tuyến hoạt động. Cuối ngày khi xe về sẽ có bộ phận kỹ thuật kiểm tra tình trạng phương tiện và tiến hành sửa chữa, khắc phục ngay các hư hỏng phát sinh hoặc tiềm ẩn. Ban Kỹ thuật công nghệ sẽ kiểm tra đột xuất việc tuân thủ các quy trình, quy định của Tổng công ty tại các đơn vị.
“Phương tiện được quản lý bằng hệ thống phần mềm chuyên dụng từ Tổng công ty kết nối xuống gara của các đơn vị. Thông qua hệ thống này, phương tiện sẽ được bảo dưỡng đúng định kỳ; lý lịch bảo dưỡng sửa chữa phương tiện được cập nhật tự động, liên tục,” ông Thắng nói về việc giám sát và hậu kiểm về công tác sửa chữa, bảo dưỡng đoàn phương tiện.
Con số thống kê của Transerco cho thấy, chỉ tính từ năm 2018 đến hết năm 2020, Tổng công ty đã đầu tư, thay mới khoảng 500 xe buýt (chiếm gần 50% tổng số đoàn phương tiện). Từ đầu năm 2021 đến nay tiếp tục thay thế và đầu tư mới tổng cộng 75 xe buýt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Hiện đoàn phương tiện của Transerco bảo đảm có “tuổi đời” trung bình khoảng 3 tuổi.
Cứ định kỳ 2 năm 1 lần, Transerco lại tổ chức hội thi bảo dưỡng, sửa chữa xe buýt trong toàn đơn vị. Qua hội thi, các tuyển thủ có cơ hội học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức hay về công tác bảo dưỡng sửa chữa, qua đó giúp bảo đảm chất lượng kỹ thuật đoàn phương tiện tốt hơn. Nhiều sáng kiến kỹ thuật, sáng tạo cải tiến trang thiết bị, dụng cụ đã được nhân rộng ra các đơn vị.
Mặt khác, thông qua mỗi hội thi, Transerco sẽ rà soát, hiệu chỉnh quy trình để công tác bảo dưỡng phương tiện được hiệu quả hơn.
“Những năm vừa qua, hình ảnh những chiếc xe buýt xả khói đen trên đường giờ đã không còn xuất hiện,” ông Thắng khẳng định./.