Sau khi lắng nghe Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan báo cáo, góp ý về kết quả triển khai thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 tại cuộc họp chiều 4/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo việc phấn đấu giảm quá tải bệnh viện phải đi liền với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe chuyên sâu của nhân dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau hai năm triển khai, với các nỗ lực về tăng giường bệnh và các giải pháp quản lý, đến nay đã có 50% số bệnh viện tuyến Trung ương ký cam kết không để người bệnh nằm ghép giường.
Tình trạng quá tải khu vực khám bệnh tuyến này cũng được cải thiện đáng kể, giảm trung bình gần 50 phút/lượt khám.
Cả nước đã xây dựng mới và đưa vào sử dụng ba bệnh viện tuyến trung ương. 172 khoa trong các bệnh viện tuyến này cũng đã được cải tạo, mở rộng, hoặc xây mới bổ sung gần 4.000 giường bệnh.
Theo thống kê trên địa bản cả nước, hai năm qua đã xây mới 116/1.121 bệnh viện; 1.667 khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện được xây mới, tăng 15.535 giường bệnh. Tính chung, cả nước ở cả ba tuyến bệnh viện đã tăng tỷ lệ giường bệnh thực kê đạt 28,1 giường bệnh/10.000 dân năm 2014 so với 24,7 giường bệnh/10.000 dân năm 2012.
Năm 2014, việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được triển khai tới hơn 2.100 cơ sở y tế có đủ điều kiện theo quy định, trong đó có tới 55,6% là cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tương đương, trong số này có 424 cơ sở y tế ngoài công lập (chiếm 17,1%). Thông qua đó, tổ chức khám chữa bệnh tại 10.870 trạm y tế xã, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Những ý kiến tại buổi làm việc cũng cho thấy nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, nhất là nhu cầu vượt tuyến; mô hình bệnh tật thay đổi nhiều trong khi tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân còn khá thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Một số bệnh viện trung ương và tuyến cuối của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tình trạng quá tải trầm trọng như Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Chợ Rẫy, Ung Bướu, Nhi Thành phố Hồ Chí Minh.
Chất lượng chuyên môn y tế cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở các tỉnh miền núi, làm cho người bệnh có xu hướng tự vượt tuyến.
Có ý kiến đề nghị tăng cường xã hội hóa để thu hút vốn đầu tư trong phát triển cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các cơ sở ngoài công lập; khuyến khích đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa vào các phòng khám đa khoa tại các bệnh viện công lập; bổ sung máy móc, thiết bị, xây dựng cơ chế công nhận kết quả khám bệnh giữa các bệnh viện.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của Đảng, Nhà nước, đảm bảo lợi ích cơ bản của người dân.
Thủ tướng cho rằng ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng từ công tác y tế dự phòng, công tác đào tạo chuyên môn đến các lĩnh vực khám chữa bệnh chuyên sâu, đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật cao, đó là kết quả từ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và những nỗ lực rất đáng ghi nhận của đội ngũ thày thuốc, cán bộ ngành y.
Đánh giá sau hai năm triển khai, Thủ tướng cho rằng ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc tăng giường bệnh ở các tuyến, song vẫn còn tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên.
Để Đề án đạt hiệu quả tốt hơn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế siết chặt quy chế chuyển tuyến, chuyển viện; tập trung tăng số giường bệnh nhất là ở các lĩnh vực nhi khoa, ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch; ưu tiên đầu tư, mở rộng giường bệnh, bổ sung máy móc, thiết bị y tế tại các bệnh viện tuyến trung ương trong vòng 5 năm tới, đáp ứng nguyện vọng được chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của người dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tích cực đầu tư, chuyển giao công nghệ, bổ sung thiết bị y tế hiện đại, đẩy mạnh đào tạo, tăng cường cán bộ y tế cho bệnh viện tuyến huyện, kết nối với các bệnh viện vệ tinh nhằm giảm quá tải bệnh viện tuyến trên sao cho phát huy tối đa công suất của bệnh viện cấp huyện.
Ngoài ra, có thể thí điểm mô hình phòng khám bác sỹ gia đình; bổ sung nhiều hơn số bàn khám bệnh tại các khoa khám bệnh của các bệnh viện, tránh tình trạng người dân chờ đợi mệt mỏi đến lượt khám; chú ý đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hội chẩn, chẩn đoán bệnh trực tuyến, liên thông giữa các bệnh viện; tiến tới hoàn thiện cơ chế công nhận kết quả khám, xét nghiệm liên bệnh viện, Thủ tướng nêu rõ.
Về giải pháp tài chính, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân./.