Trong hơn hai tháng qua, có 55 trường hợp mắc bệnh ho gà, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Đáng lưu ý, có 5 trường hợp trẻ tử vong vì bệnh ho gà trong tổng số 55 ca mắc bệnh.
Trước thực trạng trên, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu để hiểu rõ hơn về dịch bệnh ho gà.
- Thưa Cục trưởng, ông đánh giá như thế nào về diễn biến của dịch bệnh ho gà xảy ra từ đầu năm tới nay?
Cục trưởng Trần Đắc Phu: Ho gà là bệnh lây lan rất mạnh, rất nhanh qua đường hô hấp. Đặc biệt bệnh càng xuất hiện nhiều vào mùa có khí hậu lạnh, ẩm như tiết trời Đông Xuân. Đây là bệnh lây như các bệnh đường hô hấp khác.
Hiện nay, về bệnh ho gà có hai vấn đề. Thứ nhất, chúng tôi theo dõi tình hình dịch bệnh từ năm 2012 đến nay cho thấy, số ca mắc có tăng nhưng không tăng lên nhiều.
Trung bình mỗi năm có trên 100 trường hợp mắc bệnh ho gà. Trong mấy tháng đầu năm nay đã có vài chục ca mắc bệnh, nhưng chủ yếu vào đợt này - mùa Đông Xuân lạnh và ẩm - đây là kiểu thời tiết rất nhạy cảm với bệnh hô hấp trong đó có ho gà, gây ra trên đường hô hấp.
Điều này cũng lý giải nguyên nhân vì sao trong miền Nam không có nhiều trường hợp mắc bệnh mà chủ yếu xảy ra tại miền Bắc. Bởi thời tiết miền Bắc có khí hậu lạnh ẩm rất đặc trưng.
Thứ hai, hiện nay bệnh ho gà xuất hiện rải rác, kể cả tại Hà Nội. Hà Nội có nhiều ca bệnh do đông dân nhất và tập trung nhất.
Mặc dù bệnh ho gà xuất hiện rải rác ở các tỉnh thành phố, không bùng phát ở các tỉnh nhưng chúng ta phải rất cảnh giác.
[Các biểu hiện của người mắc bệnh ho gà như thế nào]
- Ông có thể cho biết, năm nay đối tượng mắc bệnh ho gà có gì đặc biệt không?
Cục trưởng Trần Đắc Phu: Năm nay, thống kê cho thấy, hầu hết các trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 3 tháng tuổi.
Trong nhiều năm qua, từ năm 2012, đối tượng mắc bệnh ho gà cũng chủ yếu là trẻ dưới 3 tháng tuổi. Vì vậy, độ tuổi trẻ mắc bệnh ho gà năm nay cũng không khác nhau nhiều, không có gì bất thường về độ tuổi mắc bệnh ho gà.
Phần lớn đối tượng này là trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiềm đầy đủ (mới chỉ được tiêm một mũi vắcxin phòng bệnh ho gà) nên chưa có kháng thể miễn dịch với bệnh.
- Ngành y tế có những giải pháp gì để ứng phó với bệnh ho gà?
Cục trưởng Trần Đắc Phu: Bệnh ho gà lây rất nhanh, vì vậy, chúng ta cần phát hiện sớm bệnh, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong.
Quan điểm của chúng tôi là trước tiên về điều trị phải giảm số ca tử vong, làm sao phải giảm và hạn chế thấp nhất số tử vong do ho gà. Chẳng hạn như, dù số lượng mắc bệnh ho gà nhiều nhưng tử vong ít thì mọi người cũng không lo lắng quá.
Vì vậy, trong công tác điều trị phải làm sao cho y tế cơ sở phát hiện được sớm. Người làm lâm sàng ở địa phương như y tế tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh phải có nhạy cảm về dịch tễ. Không thể cứ bạch hầu bảo viêm amidan, cứ ho lại bảo viêm họng… cần chẩn đoán đúng bệnh, điều trị sớm thì sẽ không biến chứng nặng.
Trong thời điểm hiện nay cũng là bài học từ dịch sởi cho thấy, thời tiết lạnh và ẩm là điều kiện để các bệnh về đường hô hấp xuất hiện nhiều. Bệnh nhân vào bệnh viện không cẩn thận có thể lây chéo bệnh khác cho bệnh nhân ho gà, hay ngược lại bệnh nhân ho gà lấy cho bệnh nhân khác. Vì vậy, các cơ sở y tế cần phải giải quyết tốt để tránh vấn đề lây chéo bệnh.
Bệnh nhân đã nghi do ho gà thì không nên cho nằm với các bệnh nhân khác.
- Trước tình hình bệnh ho gà phát triển mạnh vào mùa Đông-Xuân, ông có khuyến cáo gì với người dân về cách phòng bệnh?
Cục trưởng Trần Đắc Phu: Những năm qua, nhờ làm tốt công tác tiêm chủng, số ca mắc ho gà, bạch hầu giảm rất nhiều nhưng không phải không có. Trong khi đó, những trường hợp mắc bệnh chủ yếu là trẻ nhỏ.
Vì vậy, các bậc phụ huynh nên đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi (có thể tiêm dịch vụ hoặc tiêm miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại các xã phường), không nên trì hoãn việc tiêm phòng cho trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Để phòng bệnh ho gà ngoài việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thì phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm chủng vắcxin trước khi mang thai.
Với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa từng mắc ho gà thì có thể tiêm vắcxin dịch vụ phòng bạch hầu-ho gà-uốn ván để tạo miễn dịch cho mẹ và cho con. Vắcxin này tiêm tiêm cho người trong độ tuổi 6-64.
Theo nhà sản xuất, vắcxin này có thể tiêm phòng cho thai phụ ở tuần thai thứ 20. Dù vậy, Bộ Y tế đang giao cho Cục Quản lý Dược, Chương trình Tiêm chủng mở rộng xem xét để có hướng dẫn cụ thể như trường hợp nào nên tiêm, vùng nào nên tiêm… không nhất thiết thai phụ nào cũng cần phải tiêm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.