Phát động chiến dịch bảo vệ người tiêu dùng đồ uống có cồn

Việc lạm dụng rượu bia gây ra rất nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực tới trật tự an toàn xã hội, để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Phát động chiến dịch bảo vệ người tiêu dùng đồ uống có cồn ảnh 1Cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Hiện nay, có 60% số vụ tai nạn giao thông, 68% vụ bạo lực gia đình, 38% vụ gây rối trật tự an toàn xã hội có nguyên nhân do lạm dụng rượu bia.

Việc lạm dụng rượu bia gây ra rất nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực tới trật tự an toàn xã hội, để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã cho biết như trên tại buổi hội thảo ngày 22/3 nhằm phát động chương trình và chiến dịch thí điểm chung nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khỏi những ảnh hưởng về sức khoẻ gây ra bởi các loại đồ uống có cồn bị pha trộn methanol, các loại rượu tự nấu và chưng cất không đúng cách.

Hội thảo thuộc dự án phòng chống ngộ độc Methanol trong đò uống có cồn, do Viện Methanol - hiệp hội thương mại toàn cầu của ngành công nghiệp methanol và Viện đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng thuộc Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức sáng 22/3, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, phó giáo sư Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh, Viện Methanol và Viện đào tạo Y học Dự phòng, phối hợp cùng Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và Quỹ từ thiện Liam đang xây dựng các Chương trình giáo dục về Methanol tại Việt Nam (VMEP) trong vòng 5 năm, từ năm 2016 đến năm 2020.

Chương trình nhằm tạo ra những chương trình bền vững sau năm 2020. Những chương trình này khi đó sẽ được quản lý bởi đối tác trong nước và được tài trợ thông qua những đối tác hỗ trợ tại Việt Nam và quốc tế.

Chương trình VMEP sẽ bao gồm việc tập huấn cho cán bộ y tế và cán bộ chăm sóc sức khỏe công cộng tại những bệnh viện. Chương trình cũng sẽ cung cấp kiến thức giáo dục cho cộng đồng có nguy cơ cao, nêu lên những rủi ro nghiêm trọng của ngộ độc methanol liên quan đến sản xuất rượu tại nhà và theo cách truyền thống.

Ông Long cho hay, theo đánh giá về tình trạng lạm dụng bia rượu tại Việt Nam, có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ 4 người thì có một người sử dụng rượu bia ở mức độ có hại. Bên cạnh đó, thói quen uống rượu, bia phản khoa học cũng làm tăng nguy cơ gây tai biến, bệnh tim mạch, thậm chí tử vong.

“Nhiều người cho rằng uống rượu là một phương pháp làm ấm người, nhưng dưới góc độ y học thì điều này không đúng. Khi cơ thể dung nạp một lượng rượu, bia nhất định, các mạch máu giãn ra, tim đập nhanh hơn tạo cảm giác nóng lên. Tuy nhiên, nhiệt lượng sinh ra này không phải để làm ấm cơ thể, nếu vận động mạnh hoặc thay đổi môi trường đột ngột khiến huyết áp tăng cao, gây tai biến, có thể dẫn đến tử vong,” ông Long chỉ rõ.

Theo con số thống kê của Bộ Y tế, trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, đã có 5.000 người phải nhập viện do say rượu, bia dẫn đến đánh nhau. Thời điểm cao nhất có 900 trường hợp phải nhập viện vì rượu và đã có 11 người tử vong.

Thống kê của Bệnh viện Việt Đức cho thấy, có tới 90% các vụ tai nạn giao thông nhập viện cấp cứu những ngày Tết có liên quan đến rượu, bia. 100% bệnh nhân ở tuổi thanh thiếu niên khi vào cấp cứu đều có uống rượu và 60% nạn nhân là phụ nữ bị tai nạn giao thông cũng có hơi men.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo người lạm dụng rượu có nguy cơ tự tử tăng gấp 8 lần so với người không uống rượu. Trong vòng 40 năm qua, những người tự tử liên quan đến rượu tăng gần 60%, nhất là những quốc gia đang phát triển, trở thành gánh nặng toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục