Quảng Ninh phấn đấu hết quý 1 năm 2022 hoàn thành mũi tiêm tăng cường

Quảng Ninh lên kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi tăng cường thứ 3 cho những người đủ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong quý 1/2022.
Quảng Ninh phấn đấu hết quý 1 năm 2022 hoàn thành mũi tiêm tăng cường ảnh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Chiều 6/12, tại cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã giao ngành Y tế xây dựng ngay kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi tăng cường thứ 3 cho những người đủ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong quý 1/2022.

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã bám sát Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nâng cao tính chủ động trong triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh theo đúng phương châm “3 trước,” “4 tại chỗ,” dự phòng tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Cùng với đó, ý thức của nhân dân đối với việc chủ động phòng, chống dịch cũng được nâng lên rõ rệt, nhất là tuân thủ nghiêm quy định 5K, quét mã QR…

[Quảng Ninh lúng túng xử lý ổ dịch COVID-19 ở Liên hoan Xiếc Việt Nam]

Đặc biệt, nhờ tỷ lệ tiêm vaccine của Quảng Ninh rất cao và sớm đưa thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị COVID-19 vào sử dụng cho những bệnh nhân có chỉ định, cộng với hệ thống y tế từ tỉnh tới cơ sở ngày càng được củng cố, nên số F0 không triệu chứng và khỏi bệnh rất cao.

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý ngoài các đối tượng có biểu hiệu ho, sốt, khó thở, các địa phương cần nâng tần suất xét nghiệm tầm soát chủ động đối với các đối tượng là trẻ em, nhất là học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine và người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, không thể tiêm vaccine.

Chủ tịch ủy ban nhân dân các địa phương phải tăng cường trách nhiệm của mình trong việc củng cố năng lực hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là chủ động chuẩn bị số lượng test xét nghiệm, đáp ứng yêu cầu xét nghiệm sàng lọc tầm soát trên diện rộng tại địa bàn khi có tình huống phát sinh; không để cho bất kỳ F0 nào không được tiếp cận thuốc điều trị COVID-19 và không được y tế chăm sóc, theo dõi kịp thời.

Ngành y tế cần có phương án phân bổ, quản lý, sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị F0 minh bạch, rõ địa chỉ, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Trên cơ sở bám sát hướng dẫn của Bộ Y tế, ngành Giáo dục, Y tế và Chủ tịch ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng, ban hành hướng dẫn quy trình xử trí, cách ly các trường hợp học sinh được phát hiện là F0 tại các cơ sở giáo dục đào tạo phù hợp với từng đối tượng, nhất là ở các trường mầm non, tiểu học.

Ngành Y tế cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mỗi người dân, người lao động, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chủ động hơn nữa trong việc nâng cao ý thức, năng lực tự ứng phó, bảo vệ bản thân, gia đình, cơ quan, đơn vị,cộng đồng trước dịch bệnh.

Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh rà soát, đánh giá hiệu quả cũng như bất cập trong triển khai mô hình khai báo y tế tự động không dừng tại chốt kiểm soát thông tin ra vào tỉnh, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, dịch vụ và đi lại của nhân dân.

Theo báo cáo của Sở Y tế, ngày 6/12, Quảng Ninh ghi nhận 18 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại 6 địa phương. Các ca mắc mới đang có xu hướng giảm so với những ngày trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục