Sau 1 tuần bùng phát, tính đến ngày 9/11, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản kiểm soát được các ổ dịch COVID-19 trên địa bàn, nhất là ở 2 địa phương "nóng" Đông Triều và Uông Bí.
Các ca mắc mới (6 ca trong ngày 8/11) chủ yếu là các F1 đã được cách ly triệt để. Các ca đang điều trị tại các cơ sở y tế và điều trị tại nhà đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đánh giá cao thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai kịp thời, chính xác, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; nhiều mô hình kiểm soát, phòng, chống dịch sáng tạo, hiệu quả. Nhờ đó, chỉ sau 1 tuần, các ổ dịch tại Đông Triều, Uông Bí cơ bản được kiểm soát và dự kiến ngày 9/11 sẽ cho Công ty giày da Sao Vàng với hơn 3.000 công nhân trở lại làm việc.
Từ ngày 1/11 đến hết ngày 8/11, toàn tỉnh đã ghi nhận 105 ca mắc mới, gồm 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay, 5 trường hợp đến/trở về từ các tỉnh phía Nam, 3 trường hợp liên quan đến ổ dịch tỉnh Phú Thọ, 90 trường hợp phát hiện tại ổ dịch Đông Triều, Uông Bí.
[Dịch COVID-19: Quảng Ninh nâng cấp độ dịch hàng loạt các địa phương]
Để ngăn chặn các ổ dịch thành các đợt dịch gây quá tải đối với hệ thống y tế, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh chỉ đạo tổng rà soát, xét nghiệm đối với tất cả trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, đau người và các biểu hiện dịch tễ liên quan đến COVID-19; triển khai ngay phương án phân luồng, hạn chế hoạt động giao thông, vận tải đối với các địa bàn đang được xác định cấp độ dịch 2, 3, và 4.
Tỉnh cũng lắp đặt 30 máy kiểm soát y tế tự động có chức năng chụp ảnh nhận diện khuôn mặt phục vụ việc chống mượn mã QR Code và hỗ trợ truy vết khi cần thiết tại Cầu Bạch Đằng (Quảng Yên), Cầu Đá Bạc (Uông Bí), Cổng tỉnh (Đông Triều).
Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo thời gian tới thị xã Đông Triều và thành phố Uông Bí tập trung quyết liệt cho việc xét nghiệm diện rộng có trọng tâm, trọng điểm để nhận diện, sàng lọc F0, chủ động ngăn chặn đà lây lan; khoanh vùng khống chế, dập tắt ổ dịch để các hoạt động của người dân sớm trở lại trạng thái bình thường, học sinh lại được tới trường học tập.
Các địa phương tiếp tục tập trung củng cố năng lực chỉ huy, chỉ đạo, điều hành trong xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh, trong đó, tập trung năng lực, nhân lực y tế khi phải xử lý các tình huống khẩn cấp trên diện rộng.
Lực lượng chức năng tăng cường hướng dẫn người dân biết tự xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh, trong đó trường học, ngành than, các cơ quan, đơn vị là nòng cốt sẵn sàng đáp ứng yêu cầu "thần tốc" xét nghiệm trên diện rộng để xử lý ổ dịch trong thời gian ngắn nhất.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu dữ liệu xét nghiệm dùng chung toàn tỉnh, kết nối liên thông, đồng bộ với nền tảng công nghệ, nhất là PC-COVID được nhanh chóng hoàn thiện để tất cả kết quả xét nghiệm đều được cập nhật kịp thời, chính xác.
Qua đó, các cơ quan chức năng có được đánh giá kịp thời diễn biến tình hình dịch tễ trên địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống, kiểm soát dịch; chú trọng việc quản lý thông tin người vào/ra cơ quan, công sở, địa điểm công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, giáo dục, y tế, sự kiện đông người bằng mã QR Code và xét nghiệm sàng lọc khi tham gia các sự kiện; tập trung triển khai kế hoạch kết nối, đồng bộ dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm với dữ liệu dân cư đến cấp xã để sớm đưa vào khai thác, quản lý, sử dụng.
Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh cùng với việc sớm hoàn thành tiêm chủng cho đối tượng từ 12 tới dưới 18 tuổi trong và ngoài trường học, từng địa phương phải rà soát, hoàn thành tiêm vét cho các đối tượng trên 18 tuổi chưa tham gia tiêm chủng, chậm nhất trước ngày 20/11./.