Sau bảy tháng khởi công, tiến độ Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô hiện ra sao?

Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô vẫn còn 2 gói thầu tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa khởi công và kiến nghị kéo dài cơ chế khai thác mỏ vật liệu để đảm bảo tiến độ thi công.

Nhà thầu thi công hạng mụn nền đường của Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công hạng mụn nền đường của Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau khoảng bảy tháng khởi công gói thầu đầu tiên, Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội vẫn còn một số gói thầu chưa khởi công hết và các tỉnh, thành nơi công trình này đi qua cũng đang gấp rút triển khai công tác thi công.

2 gói thầu tại Bắc Ninh chưa thể khởi công

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Dự án Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, đi qua địa phận thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh; tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần (gồm 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng, 3 dự án xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và một dự án đường cao tốc theo phương thức PPP).

Cụ thể, đối với 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đến nay, tổng diện tích đất đã thu hồi khoảng 1.305,9/1.390ha (đạt 94%), trong đó trong đó thành phố Hà Nội đã thu hồi 763,8/791ha (đạt 96,5%), Hưng Yên đã thu hồi 195,6/230,2ha (đạt 85%), Bắc Ninh đã thu hồi 346,5/369ha (đạt 93,8%).

Ngoài ra, dự án thành phần này đã hoàn thành xây dựng 1/35 khu tái định cư, đang triển khai thi công 16/36 khu. Các địa phương đang triển khai lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án và tiến hành di dời 261 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật.

Với 3 dự án thành phần xây dựng đường song hành gồm Dự án thành phần 2.1 (với 4 gói thầu) thành phố Hà Nội đã lựa chọn nhà thầu thi công, tiến hành khởi công dự án ngày 25/6/2023. Trên hiện trường đang triển khai 32 mũi thi công, hiện đang thi công lớp đất hữu cơ, đắp nền một số phân đoạn, triển khai xử lý đất yếu tại các vị trí có mặt bằng sạch; thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các công trình cầu vượt sông, kênh, mương; sản lượng thi công khoảng 375,3/4.691 tỷ đồng (đạt 8% giá trị hợp đồng).

vnp_duc dam cam.jpg
Đúc dầm cầu trên công trường Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dự án thành phần 2.2 tỉnh Hưng Yên đã lựa chọn nhà thầu thi công, khởi công dự án ngày 22/11/2023. Trên hiện trường đang triển khai 3 mũi thi công, hiện đang triển khai đào nền một số phân đoạn, sản lượng thi công khoảng 5/1.253,6 tỷ đồng (đạt 0,4% giá trị hợp đồng).

Riêng Dự án thành phần 2.3 tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt thiết kế, dự toán cả 3 gói thầu, có một gói thầu đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công vào ngày 18/12/2023; một gói thầu đang hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu; gói thầu còn lại đang tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp theo Luật Đấu thầu mới.

Trên hiện trường Dự án thành phần 2.3 đang triển khai 4 mũi thi công, chủ yếu thi công lớp đất hữu cơ, đắp nền một số phân đoạn và xây dựng đường công vụ, sản lượng thi công khoảng 13/1.253 tỷ đồng (đạt 1,1% giá trị hợp đồng).

Dự án thành phần 3 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP, chiều dài khoảng 112,8km (Hà Nội 58,2km, Hưng Yên 19,3km, Bắc Ninh 35,3km) sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng, đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 6479/QĐ-UBND ngày 20/12/2023, hiện đang triển khai các bước tiếp theo.

Kiến nghị kéo dài cơ chế khai thác mỏ vật liệu

Đề cập đến nguồn vật liệu, các dự án thành phần do thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ quản cần vật liệu đắp nền khoảng 7,4 triệu m3, trong đó đất đắp khoảng 1,87 triệu m3; cát đắp khoảng 5,53 triệu m3.

Cụ thể, Trên địa bàn Hà Nội có 3 mỏ đất (trữ lượng khoảng 7,1 triệu m3) chưa được duyệt quy hoạch mỏ do nằm trong quy hoạch rừng sản xuất, hiện nay thành phố Hà Nội đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo phương án xử lý. Trước mắt, Hà Nội sẽ sử dụng đất đắp tại các mỏ thuộc địa phương lân cận đã đủ thủ tục khai thác như: 04 mỏ đất tại tỉnh Vĩnh Phúc; 4 mỏ đất tại tỉnh Thái Nguyên; một mỏ đất tại tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, Hà Nội đang hoàn thiện thủ tục khai thác tại mỏ đất Gò Đỉnh.

Về mỏ cát, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 4 mỏ đang hoạt động khai thác; 6 mỏ cát đang thực hiện đấu giá trong năm 2023 với tổng trữ lượng khoảng 16,37 triệu m3; 11 mỏ cát nằm trong quy hoạch (trữ lượng ước khoảng 22,69 triệu m3); 3 mỏ có giấy phép nhưng không hoạt động.

Theo đánh giá của phía Bộ Giao thông Vận tải, về cơ bản, vật liệu cát san lấp, đắp nền trên địa bàn Hà Nội đáp ứng đủ yêu cầu thực hiện dự án, tuy nhiên, để đáp ứng tiến độ theo yêu cầu, cần sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định để sớm đưa vào khai thác phục vụ dự án. Hà Nội đang hoàn thiện thủ tục khai thác tại mỏ cát Chu Phan (trữ lượng 0,744 triệu m3) và mỏ cát Thạch Đà 1 (trữ lượng 0,425 triệu m3).

vnp_nguon vat lieu.jpg
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cần thiết kéo dài cơ chế mỏ vật liệu để đảm bảo nguồn cung thi công Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với Dự án thành phần 2.2 (Hưng Yên là cơ quan chủ quản), tổng nhu cầu vật liệu đắp nền khoảng 0,96 triệu m3, bao gồm 0,25 triệu m3 đất đắp, 0,72 triệu m3 cát đắp. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh không có mỏ đất đắp nền, dự kiến sẽ khai thác tại tỉnh Hải Dương như mỏ đất núi Bu Lu (trữ lượng 2,56 triệu m3), mỏ đất đồi Hố Đa (trữ lượng 1,8 triệu m3). Riêng cát đắp nền theo số liệu khảo sát, các mỏ trên địa bàn địa phương có trữ lượng khoảng 1,6 triệu m3 nên cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án.

Dự án thành phần 2.3 (Bắc Ninh là cơ quan chủ quản), tổng nhu cầu vật liệu đắp nền khoảng 3,95 triệu m3, bao gồm 3,1 triệu m3 đất đắp và 0,85 triệu m3 cát đắp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không có mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá), phải khai thác tại các mỏ của địa phương lân cận như Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang...

Bên cạnh đó, đến nay, Hà Nội đã chỉ đạo nhà thầu thi công triển khai thủ tục đăng ký khai thác các mỏ đất, cát phục vụ dự án, Hưng Yên đang triển khai các thủ tục khai thác các mỏ vật liệu trên địa bàn, Bắc Ninh đã tổ chức đi kiểm tra, rà soát các mỏ vật liệu trên địa bàn các tỉnh lân cận có thể cung cấp cho dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua để đẩy nhanh tiến độ di dời các đường điện cao thế, đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để sớm bàn giao mặt bằng thi công xây dựng công trình dự án.

Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện cơ chế quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 thành: “Việc khai thác khoáng sản quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 56/2022/QH15 được thực hiện đến khi hoàn thành dự án” (tương tự như cơ chế được Quốc hội thông qua áp dụng cho một số dự án tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục