Cuối năm 2018, khoảng hơn 3 triệu phương tiện ôtô sẽ được dán tem thu giá tự động (thẻ Etag) để đến năm 2019, tại tất cả các trạm BOT trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện thu giá tự động.
Về tình hình triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có 39 trạm đang tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (32 trạm trên Quốc lộ 1 và 7 trạm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; 35 trạm do Bộ Giao thông Vận tải quản lý và 4 trạm do địa phương quản lý) trong đó có 2 trạm dự kiến không triển khai hệ thống thu giá không dừng (trạm Tào Xuyên đang dừng thu, trạm cầu Rác có thời gian thu còn lại ngắn).
[Bộ trưởng GTVT: Sẽ thu phí tự động tất cả trạm BOT cuối năm 2019]
Đến nay, trong 24/37 trạm thuộc dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc-giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên do Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC (TASCO) thực hiện đã có 15 trạm được đưa vào vận hành, 9 trạm đang triển khai lắp đặt và sẽ vận hành vào cuối quý 1/2018.
Ngoài ra, 9/37 trạm thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và do Ngân hàng Vietinbank tài trợ vốn theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh) đang được Tổng cục Đường bộ yêu cầu xây dựng tiến độ thực hiện chi tiết cũng như đàm phán hợp đồng nguyên tắc cung cấp dịch vụ ETC đối với 9 nhà đầu tư để sau khi được lựa chọn sẽ triển khai lắp đặt, đảm bảo đưa hệ thống ETC tại các trạm vào vận hành trước 31/12/2018.
Đối với các tuyến Quốc lộ còn lại, Tổng cục Đường bộ đã làm việc với công ty vận hành, khai tác các tuyến cao tốc để triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đưòng bộ tự động không dừng trên các tuyến cao tốc, tổ chức làm việc với các địa phương và các nhà đầu tư BOT còn lại để thống nhất lộ trình triển khai hệ thống ETC.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tăng cường công tác đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, xây dựng kế hoạch chi tiết về việc gắn thẻ đầu cuối trong năm 2018.
Đối với công tác triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan của Bộ làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư điều chỉnh, thực hiện thống nhất một công nghệ thu giá tự động không dừng tại tất cả các dự án.
Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu đảm bảo tính bảo mật, chống làm giả thẻ Etag cũng như có cơ chế phát hiện xử lý vấn đề này.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ nhà đầu tư BOT triển khai đấu thầu cung cấp dịch vụ thu giá không dừng tại các trạm thu giá còn lại trên toàn quốc; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các địa phương, các hiệp hội vận tải tổ chức dán thẻ Etag cho phương tiện.
"Chỉ thị 06 mới đây của Thủ tướng Chính phủ đã xem thu giá tự động không dừng là một trong những giải pháp công khai, minh bạch đối với người dân trong thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, do đó các cơ quan, đơn vị của Bộ phải nghiên cứu kỹ và triển khai nghiêm túc, nhanh chóng Chỉ thị này,"Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
[Thu phí không dừng: Nhà đầu tư BOT có 'sợ' Bộ GTVT dọa dừng thu?]
Trước đó, tại các cuộc họp về thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đều khẳng định: “Người dân đang rất trông chờ thu phí tự động để đảm bảo công bằng khi có thiết bị giám sát và người dân được giám sát. Bà con nhìn thấy tận mắt một xe đi qua thu được bao nhiêu, một ngày thu được bao tiền. Thu phí thủ công mất rất nhiều thời gian. Trong khi các nước như Trung Quốc, Singapore có rất nhiều trạm thu phí có tự động quét, vậy tại sao ta chần chừ không làm?”
Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành Thông tư xử phạt với nhưng trường hợp đi qua trạm BOT không có tiền trong tem, thẻ thu phí không dừng, xử phạt cao gấp 10-20 lần thì người dân sẽ phải nộp tiền vào, nhà đầu tư không dám cho nợ.
"Đến năm 2019, tại tất cả các trạm BOT trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện thu giá tự động," Bộ trưởng Thể khẳng định.