Số ca mắc viêm não virus, viêm não Nhật Bản thấp hơn các năm

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu nhận định tình hình mắc viêm não virus, viêm não Nhật Bản thấp hơn nhiều so với các năm trước đây.
Số ca mắc viêm não virus, viêm não Nhật Bản thấp hơn các năm ảnh 1Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Chiều 9/7, tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu nhận định tình hình mắc viêm não virus, viêm não Nhật Bản thấp hơn nhiều so với các năm trước đây. Tuy nhiên bệnh thường gia tăng vào mùa Hè, do đó trong thời gian tới có thể số ca mắc bệnh sẽ gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc.

32 tỉnh, thành phố có người mắc bệnh viên não virus

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, tích lũy từ đầu năm đến ngày 4/7 vừa qua, cả nước ghi nhận gần 360 trường hợp mắc viêm não virus rải rác tại 32 tỉnh, thành phố.

Trong số đó có 6 trường hợp tử vong tại tỉnh Gia Lai (2 trường hợp), Điện Biên (1 trường hợp), Bạc Liêu (1 trường hợp), Hà Nội (1 trường hợp) và Sơn La (1 trường hợp).

Trong 6 trường hợp tử vong chỉ có 1 trường hợp được chẩn đoán là viêm não Nhật Bản tại Ba Vì, Hà Nội. Viêm não Nhật Bản B phần lớn xả ra ở khu vực miền Bắc, tập trung chủ yếu tại bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương (69 ca) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (5 ca người lớn). So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc viêm não virus giảm 10,8%.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó virus viêm não Nhật Bản là một trong những tác nhân gây bệnh này. Bệnh thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh này. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng mùa dịch là vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm là các tháng 6, 7, 8.

Các căn nguyên gây viêm não là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng) và các virus khác hiện y học chưa biết rõ. Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua xét nghiệm xác định virus. Như vậy, bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở Việt Nam.

Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Lợn và chim là những ổ chứa virus viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa virus rồi truyền cho người khi đốt. Muỗi thường đẻ trứng ở ruộng, kênh, mương và hay trú đậu ở các chuồng gia súc (lợn, trâu bò). Muỗi hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh từ 18-22 giờ.

Vắcxin viêm não Nhật Bản được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi

Vắcxin viêm não Nhật Bản được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Ban đầu được triển khai tại một số tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và hàng năm được mở rộng ra các địa phương trong cả nước. Đến năm 2013, vắcxin viêm não Nhật Bản đã được triển khai tại 580 huyện của 60 tỉnh, thành phố. Năm nay, triển khai loại vắcxin này trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí) cho trẻ dưới 5 tuổi tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định: Từ trước những năm 1997, khi Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm vắcxin phòng bệnh viên não Nhật Bản, nguyên nhân gây viêm não virus chủ yếu là virus viêm não Nhật Bản chiếm tới 61,3% trong tổng số các ca viêm não năm 1995. Nhờ kết quả phòng bệnh của Chương trình triển khai tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản, số trường hợp viêm não do virus viêm não Nhật Bản tại Việt Nam đã giảm đáng kể. Đến nay, chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não virus.

Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi; nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.

Đặc biệt, biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất là cho trẻ tiêm đầy đủ vắcxin viêm não Nhật Bản theo đúng lịch. Theo đó, 3 liều cơ bản tiêm cho trẻ là: mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Bốn triệu liều vắcxin viêm não Nhật Bản cung ứng cho Chương trình tiêm chủng mở rộng năm nay

Để chủ động phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã chỉ đạo Chương trình tiêm chủng mở rộng tổ chức tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi ở 63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, dự trù vắcxin viêm não Nhật Bản tăng 1,7 triệu liều, nâng tổng số liều vắcxin này của năm nay là 4 triệu liều (năm 2013 là 2,3 triệu liều).

Đến nay, hầu hết các tỉnh đã có kế hoạch triển khai tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc viêm não Nhật Bản tại cộng đồng; đặc biệt lưu ý các ổ dịch cũ; duy trì việc tiêm đủ 3 mũi vắcxin viêm não Nhật Bản.

Bộ Y tế đã cử các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh mùa Hè; trong đó có công tác phòng chống bệnh viêm não virus và viêm não Nhật Bản. Đồng thời, chủ động tuyên truyền để người dân biết về các biện pháp phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản; rà soát, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản và các bệnh liên quan gây viêm não virus khác...

Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để hạn chế di chứng và tử vong, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.

Đồng thời, ngành tổ chức tốt việc tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi, đảm bảo an toàn tiêm chủng và đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục