Sử dụng đường cao tốc, lái xe có thể sẽ phải đóng phí trọn đời?

Các tuyến đường cao tốc có thể sẽ tiến tới thu phí trọn đời nhằm tạo ra phát triển đồng bộ, có kinh phí để hoàn thiện đường ở nơi khác.
Sử dụng đường cao tốc, lái xe có thể sẽ phải đóng phí trọn đời? ảnh 1Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc Pháp Vân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các dự án cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đều sẽ tổ chức thu phí như các tuyến cao tốc do tư nhân đầu tư nhằm vừa đảm bảo thu hồi vốn tái đầu tư vừa đảm bảo để phí không chồng phí. Và có thể, Nhà nước sẽ tính toán thu phí trọn đời các tuyến đường cao tốc.

Thu phí tuyến này để xây dựng tuyến khác 

Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (Vụ PPP, Bộ Giao thông Vận tải), trong nghị quyết của Quốc hội về đầu tư cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã nêu rõ nguyên tắc nghiên cứu thu phí với các đoạn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

Ông Thành cho biết đối với 6 dự án cao tốc Bắc-Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư công, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp Bộ Tài chính để tính toán phương án thu phí các dự án sử dụng vốn ngân sách, sớm trình Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung và danh mục phí và lệ phí, tập trung trước tiên vào các dự án cao tốc do có lựa chọn cho người dân.

“Cao tốc là tuyến chạy tốc độ cao, chạy riêng và song song với các tuyến đường khác, nên người dân có quyền lựa chọn, để trả phí thì đi cao tốc, không thì đi Quốc lộ 1. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xác định giá vé cho từng thời điểm, có điểm khởi đầu và điểm kết thúc, ở từng giai đoạn sẽ có bước nhảy và sẽ áp dụng theo đúng quy định của hợp đồng,” ông Thành cho hay.

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình triển khai thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc thu phí trên đường được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận và các nước trên thế giới cũng áp dụng nhiều mô hình khác nhau như tại Anh không thu phí, song ở Nhật Bản vẫn thu phí cao tốc.

“Tại Việt Nam, hiện quy định chưa đồng bộ, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định đã đầu tư bằng ngân sách thì không thu phí, chỉ thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện ôtô khi đăng kiểm. Trên thực tế, nguồn lực ngân sách có hạn, chỉ đầu tư được những tuyến Quốc lộ cơ bản. Riêng, cao tốc là đường chất lượng cao, phải khác,” Thứ trưởng Đông nói.

[Cao tốc Bắc-Nam: Nhiều nhà thầu sơ tuyển, mức phí thu như thế nào?]

Ông cũng đưa ra dẫn chứng với đầu tư bệnh viện, Nhà nước đầu tư để cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, còn bệnh viện kết hợp huy động vốn tư nhân để đầu tư dịch vụ cao và thu phí cao hơn, người bệnh có quyền lựa chọn sử dụng hoặc không. Tương tự, đường cao tốc có tính thương mại cao, đi lại an toàn và thuận tiện hơn. Phương tiện muốn lưu thông thì phải trả tiền, còn nếu không thì có thể lựa chọn để lưu thông tuyến đường khác, như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh.

Về cơ sở để thu phí đối với các dự án cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách, ông Đông cho hay, dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã bổ sung quy định, thu phí tại các dự án cao tốc này.

“Thu phí là để lấy tiền đầu tư đường khác, nếu không bước đi của ta sẽ chậm hơn, huy động nguồn lực sẽ khó khăn hơn. Nếu thu đủ phí thì không chỉ ở mức 1.500 đồng như hiện nay mà phải là vài nghìn đồng mỗi kilômét,” Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Đề cập đến mức thu phí ba đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây với tổng mức đầu tư gần 40.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, theo ông Đông, ba đoạn tuyến cao tốc này dự kiến hoàn thành vào năm 2023 đồng thời có tổ chức thu phí với mức từ 1.500-2.000 đồng/km.

Tiến tới thu phí cao tốc trọn đời

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy định thu phí cao tốc trọn đời nhằm tạo ra phát triển đồng bộ, có kinh phí để hoàn thiện đường ở nơi khác.

Cụ thể, sau khi tuyến cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT hoàn thành thu phí hoàn vốn sẽ được chuyển giao cho Nhà nước quản lý, khi đó vẫn sẽ tiếp tục thu phí. Nguồn phí đó là để phục vụ cho việc quản lý, bảo trì. Còn nếu thu phí mà dư ra, Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến đường mới, đó là lý do tại sao gọi là thu phí cao tốc trọn đời.

“Việc tổ chức thu phí trước tiên là để điều tiết giao thông, để có nguồn lực nâng cao chất lượng dịch vụ lưu thông trên tuyến đường thu phí đó và tiếp tục phát triển hệ thống đường bộ nói chung, trong đó có đường cao tốc. Dù tuyến đường đó được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, doanh nghiệp hay hình thức BOT đều phải thu phí để hoàn vốn,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhìn nhận.

[Bộ GTVT lập đề án thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư]

Về lo ngại thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ dẫn tới phí chồng phí, phía Bộ Giao thông Vận tải khẳng định thực tế sẽ không có chuyện này. Hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam được hình thành sau khi đã có tuyến đường bộ hiện hữu cùng hướng tuyến.

“Hiện phí bảo trì đường bộ thu với ôtô, để bảo trì toàn bộ hệ thống đường quốc lộ, tỉnh hộ, đường huyện, xã; có nước thu qua xăng dầu, có nước thu theo tải trọng xe… mà hàng ngày phương tiện đó sử dụng. Còn với cao tốc, nếu phương tiện sử dụng phải trả phí riêng cho đoạn đường đó, để bảo trì và thu hồi vốn đầu tư để Nhà nước đầu tư cho các tuyến đường mới. Còn nếu không trả phí, chủ xe có quyền lựa chọn đi các tuyến quốc lộ khác, nên không phải phí chồng phí,” Thứ trưởng Đông lý giải rõ hơn.

Là lái xe của doanh nghiệp vận tải chở hàng thường xuyên lưu thông trên một số tuyến cao tốc như Hà Nội-Hải Phòng, Cầu Giẽ-Ninh Bình hay Nội Bài-Lào Cai, anh Phạm Công Trình (Thái Bình) cho rằng, các tuyến cao tốc hiện nay đều có hệ thống bảng điện tử được đặt ngay tại phía bên phải khi qua trạm thu phí trong đó minh bạch các thông tin về giá vé, thời gian thu, cân tải trọng... nên rất minh bạch và chính xác.

Thậm chí, anh Trình cho rằng, đa phần các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc đều đã triển khai và đưa vào hệ thống thu phí tự động không dừng và số tiền sẽ được trừ thẳng vào trong tài khoản nên sẽ đảm bảo công khai, giám sát chặt chẽ và hoàn toàn hậu kiểm được từ nhiều đơn vị.

Hiện nay, có một số dự án đường cao tốc được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách chưa tổ chức thu phí như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Do cả hai tuyến cao tốc này hiện đang không thu phí nên không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng và quản lý nên các tuyến đường này gần như thành đường Quốc lộ.

Trong 11 đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, có 6 đoạn đầu tư công, 5 đoạn được đầu tư theo hình thức PPP. Ngày 30/9, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công đồng loạt 3 đoạn cao tốc Bắc-Nam đầu tư công còn lại, đảm bảo cả 6 đoạn đầu tư đều được khởi công xây dựng.

Với 5 đoạn cao tốc Bắc-Nam đầu tư PPP, Bộ Giao thông Vận tải đang phát hành hồ sơ mời thầu tìm nhà đầu tư, theo kế hoạch phải sang đầu năm 2021 mới ký hợp đồng đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục