Tối 29/4, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do có bệnh nền suy tim, đái tháo đường, mắc COVID-19.
Bệnh nhân là nữ, 64 tuổi, ở phường Thuận Giao (thành phố Thuận An), vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương ngày 24/4. Bệnh nhân có triệu chứng mệt, khó thở, kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Sau 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân xấu dần và tử vong. Bệnh nhân mới tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết đây là ca tử vong do COVID-19 đầu tiên của tỉnh sau đợt dịch lần thứ 4 và trong năm 2023.
Cũng trong ngày 29/4, Bình Dương ghi nhận 53 ca mắc mới COVID-19, có 5 ca nặng phải nhập viện. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 390 ca mắc COVID-19, có 1 ca tử vong.
[Chủ động khống chế và kiểm soát dịch COVID-19 dịp nghỉ lễ]
Trước tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng gia tăng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn khẩn gửi các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban Nhân dân 9 huyện, thị, thành phố và toàn thể nhân dân trong tỉnh về việc tuân thủ thực hiện thông điệp 2K (khẩu trang và khử khuẩn) về phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (1/5).
Theo đó, 6 trường hợp bắt buộc phải đeo khẩu trang gồm: người có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19; tất cả các trường hợp có mặt tại cơ sở y tế, nơi cách ly, nơi lưu trú có người đang cách ly hoặc đang theo dõi, giám sát y tế (trừ người cách ly ở phòng đơn; người bị suy hô hấp; người bệnh đang thực hiện thủ thuật y tế; trẻ dưới 5 tuổi); người tham gia các phương tiện giao thông công cộng (gồm hành khách, người điều khiển, nhân viên phục vụ), người quản lý, lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc với hành khách; nhân viên phục vụ, quản lý, lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; nhân viên phục vụ, quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc với khách hàng và người tham dự tại các cơ sở văn hóa, du lịch, những nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người cũng phải đeo khẩu trang.
Việc đeo khẩu trang cũng được áp dụng tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch, đối với các nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc với khách hàng.
Tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu người dân tăng cường thực hiện thông điệp 2K+V ( khẩu trang, khử khuẩn và tiêm vaccine); việc tiêm vaccine mang lại lợi ích phòng ngừa dịch COVID-19 khá hiệu quả.
Trong tuần từ 23-29/4, cả nước ghi nhận 16.359 ca mắc mới COVID-19. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi hiện là 10.621.473 trường hợp. Hiện có 122 bệnh nhân đang thở ôxy; trong đó, 90 ca thở ôxy qua mặt nạ, 8 ca thở ôxy dòng cao HFNC, 24 ca thở máy xâm lấn.
Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 43.188 ca; đã có hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số liều vaccine COVID-19 được tiêm trong thời gian gần đây liên tục tăng, có những ngày lên đến hơn 20.000 liều.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân khuyến cáo trước diễn biến gia tăng ca mắc mới COVID-19 thời gian gần đây, các địa phương cần tăng cường giám sát trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ kéo dài, đặc biệt là sau vài năm đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương cũng như du khách nước ngoài đến nước ta dự báo sẽ tăng, như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ gia tăng.
Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ, khi người dân trở lại làm việc, công tác phòng, chống dịch cần được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ hơn; các trường học cũng bước vào kỳ thi, do đó ngành y tế các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong nhà trường.
Các địa phương cần công bố công khai, cập nhật các địa điểm tiêm vaccine để người dân dễ tiếp cận; quản lý tốt bệnh, không để lây nhiễm tại cộng đồng và cơ sở khám, chữa bệnh, giảm áp lực cho nhóm đối tượng nguy cơ cao - người có bệnh nền khi mắc COVID-19.
Các tỉnh/thành phố cập nhật, đánh giá cấp độ dịch kịp thời để có những biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tăng cường kiểm dịch y tế biên giới để phát hiện, xử lý kịp thời bệnh xâm nhập; đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 để bảo vệ nhóm nguy cơ cao, công khai các điểm tiêm để người dân tiếp cận./.