Ngay sau thông tin ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh gửi tâm thư xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất đã trúng tại lô đất có diện tích 10.060m2 với giá 24.500 tỷ đồng (tương ứng 2,45 tỷ đồng/m2) ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn này đã thu hút sự chú ý của dư luận, chuyên gia bất động sản khẳng định việc Tân Hoàng Minh sau khi trúng đấu giá đất với giá cao không tưởng đã gây chấn động thị trường.
Tiếp đến, doanh nghiệp này lại chấp nhận bỏ cọc lại bồi thêm một "cú sốc" cho thị trường bất động sản. Những động thái này sẽ ảnh hưởng tiêu cực lớn tới thị trường bất động sản, đồng thời gây khó cho việc đấu giá của các doanh nghiệp khác sau này.
Mặc dù việc Tân Hoàng Minh có thể bỏ cọc sau vụ đấu giá đất này cũng từng được các chuyên gia dự báo nhưng khi doanh nghiệp đưa ra thông tin chính thức đã khiến nhiều người lo lắng.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, với việc "tháo chạy" của Tân Hoàng Minh, ngân sách Nhà nước sẽ không thu được khoản tiền 24.500 tỷ đồng và còn để lại hệ lụy với những tác động xấu đến chuyển động của thị trường bất động sản đang lấy đà vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh kéo dài suốt thời gian qua.
[Vụ đấu giá đất bất thường ở Thủ Thiêm: Vì sao doanh nghiệp bỏ cọc?]
Liên quan đến vấn đề này, Chuyên gia kinh tế-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc Tân Hoàng Minh muốn hủy cọc đã được dự đoán từ đầu vì mức giá đó là bất hợp lý. Riêng về lý do Tân Hoàng Minh đã bỏ giá quá cao tại cuộc đấu giá này, ông Đinh Trọng Thịnh phân tích có nhiều lý do để họ quyết định như vậy.
Có thể doanh nghiệp đẩy giá lên thông qua đó đẩy giá thị trường. Hoặc, doanh nghiệp có thể bán, mua những mảnh đất xung quanh đó. Giá đất tăng hoàn toàn có thể thừa để bù so với mức bỏ cọc mà doanh nghiệp phải chịu phạt.
Mặt tích cực hơn, cũng có thể doanh nghiệp đã tính toán khi nhất định phải trúng giá lô đất đó nhằm làm lỡ nhịp của nhà đầu tư khác - chuyên gia này đặt vấn đề.
“Việc đấu giá đưa ra mức quá cao rồi hủy cọc gây nhiều hậu quả cho xã hội. Kết quả đấu giá không chỉ người dân hay nhà đầu tư mà cả Chính phủ và Nhà nước cũng thấy vô lý. Đã đến lúc cần xem xét việc đặt cọc hiện đã ổn chưa. Xử lý với người hủy cọc cần phải có biện pháp như lần sau không cho doanh nghiệp đó tiếp tục đấu giá. Chúng ta không nên chỉ dừng lại trong việc hủy cọc rồi mất cọc. Bởi hủy cọc mất mỗi tiền cọc nhưng họ có thể bán được nhiều lô đất lời hơn," ông Thịnh cho hay.
Bên cạnh đó, việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá của Tân Hoàng Minh sẽ làm cho giá cả thị trường khu vực Thủ Thiêm sẽ xuống và dần dần trở lại mặt bằng cũ. Bởi trên thực tế, những ngày vừa qua, giá đất tại Thủ Thiêm được môi giới chào bán đã tăng từ 30-40%, thậm chí có những vị trí được đẩy giá tăng thêm tới 60%. Điều này khiến thị trường bất động sản rơi vào ngõ cụt vì giá đất tăng sẽ khiến giá nhà thành phẩm đội lên rất nhiều.
Mặt khác, ngay sau vụ trúng giá quá cao của Tân Hoàng Minh, gần như thị trường giao dịch dừng hẳn bởi người bán cũng thận trọng sợ “hớ,” người mua cũng dè chừng bởi giá tăng cao chóng mặt.
Cùng đó, mặt bằng giá ở thành phố Thủ Đức đã ghi nhận mức tăng mạnh, mức giá tăng từ 15-20%.
Đơn cử như trục đường Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi tăng khoảng 150 triệu đồng/m2, từ mức 300-350 triệu đồng/m2 lên ngưỡng từ 450-500 triệu đồng/m2. Khu Đông Thủ Thiêm, Nam Rạch Chiếc, Cát Lái, Đảo Kim Cương trước kia được giao dịch 160-164 triệu đồng/m2 thì nay cũng rao bán lên tới 200-250 triệu đồng/m2…
Trước những tác động đến thị trường sau vụ đấu giá “tai tiếng” của Tân Hoàng Minh, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), cho rằng kết quả trúng đấu giá 4 lô "đất vàng" ở Thủ Thiêm với mức giá quá cao so với giá trị thực tại thời điểm hiện tại đang gây bất lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
Ông Châu cảnh báo một số doanh nghiệp có thể lợi dụng giá trúng đấu giá rất cao để xin định giá lại tài sản, nhất là tài sản thế chấp. Khi giá trị tài sản nhà đất được định giá tăng cao cũng giúp doanh nghiệp được vay thêm vốn từ ngân hàng hoặc có thể "làm sạch" bảng cân đối tài chính.
Đặc biệt, phiên đấu giá với giá trúng quá cao ở Thủ Thiêm đã làm giảm tính hấp dẫn của thị trường bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi có giá đất quá cao như vậy sẽ khó khăn cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhất là các "sếu đầu đàn" để thực hiện mục tiêu xây dựng "Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực" tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm - ông Châu phân tích.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) cho rằng thị trường đang xác lập một tâm lý giá mới. Những người muốn bán có tâm lý không muốn bán nữa sau khi biết thông tin đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm. Đối với doanh nghiệp, họ cũng đắn đo với mặt bằng giá đó khó có thể làm được dự án.
Ngay như Phú Đông Group cũng gặp khó khi chuẩn bị mua một miếng đất với giá đã thương lượng trước đó. Bởi nay họ thông báo không bán nữa và muốn đàm phán lại để có giá mới. Mức giá mới này khá giá cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, nhiều dự án bất động sản cũng sẽ bị vướng do khó định giá đất.
Trong khi nguồn cung nhà ở vẫn chưa cân đối ở nhiều phân khúc thì giá đất trên thị trường tiếp tục biến động theo chiều hướng ngày càng tăng cao và không giảm. Điều này sẽ gây nhiều tác động về mọi mặt đến kinh tế-xã hội và nhu cầu nhà ở của đại bộ phận dân cư sẽ không được đáp ứng, nhất là với phân khúc dành cho người có thu nhập trung bình tại các đô thị./.