Ngày 8/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam và Hội đồng thương mại Thụy Điển phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thảo luận bàn tròn về chủ đề “Thúc đẩy vận hành và quản lý giao thông công cộng hiệu quả: Chia sẻ thành công của Thụy Điển tại các nước đang phát triển.”
Phát biểu khai mạc, ông Pereric Högberg - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam - cho biết Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tính đến năm 2017, khoảng 40% trong tổng số 90 triệu người dân Việt Nam sống ở các đô thị, đặt ra thách thức lớn đối với lĩnh vực vận tải, đặc biệt là giao thông công cộng.
[Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về giao thông đô thị]
“Thụy Điển từ lâu đã tiên phong trong các giải pháp quy hoạch đô thị. Từ năm 1990, lượng phát thải đã giảm 9%, sự phụ thuộc vào xăng dầu cũng giảm 90% từ năm 1970. Số người tử vong do tai nạn giao thông thuộc hàng thấp nhất thế giới. Với kết quả đó cộng với kinh nghiệm đến từ các chuyên gia, doanh nghiệp cung cấp giải pháp thông minh về quản lý giao thông, chúng tôi hy vọng sẽ giúp Việt Nam hoạch định được phương hướng, xây dựng những đô thị bền vững với mạng lưới giao thông thông minh,” ông Pereric Högberg nói.
Tại cuộc thảo luận, ông Trần Quang Lâm - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh - chia sẻ về những thách thức mà giao thông tại các đô thị lớn hiện nay đang gặp phải và sáu nhóm giải pháp chính mà Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai. Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã quy hoạch tám tuyến đường sắt đô thị (MRT); ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramray or Monorail); sáu tuyến xe buýt nhanh (BRT). Trong đó, vận tải hành khách khối lượng lớn đang triển khai: Tuyến MRT 1 (Bến Thành-Suối Tiên), tuyến MRT 2 (Bến Thành-Tham Lương), tuyến MRT 5 (Ngã tư Bảy Hiền-Cần Giuộc)...
Tương tự nhiều nước châu Á, Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tính đến năm 2014, khoảng 33% trong số 90 triệu dân Việt Nam sống tại các đô thị. Con số này dự kiến tăng lên đến 50% năm 2025. Với định hướng của Chính phủ hướng đến mục tiêu đô thị bền vững, giao thông công cộng trở thành nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển giao thông đô thị.
Trong chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam phát triển theo hướng giao thông công cộng trở thành phương tiện vận tải chủ yếu nhằm kiểm soát việc gia tăng phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, đến năm 2020, Việt Nam hướng đến hoàn thành mục tiêu 20% xe buýt và taxi sử dụng nhiên liệu sạch như LPG, CNG và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam cần có tầm nhìn và kế hoạch cụ thể, đồng thời học hỏi kinh nghiệm thành công ở các nước đang dẫn đầu thế giới trong việc phát triển lĩnh vực này.
Đại diện lãnh đạo các công ty phía Thụy Điển bao gồm ABB, Erisson, Volvo Buses, Axis Communications, Volvo Cars và Roxtec đã chia sẻ kinh nghiệm với các bên liên quan trong lĩnh vực giao thông công cộng và phát triển đô thị bền vững nhằm giúp Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đưa ra những giải pháp phù hợp nhất; trong đó, nổi bật là tăng cường lưu lượng sử dụng phương tiện công cộng, đảm bảo an toàn và chống ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành và quản lý hệ thống giao thông công cộng.
Ngoài ra, tại buổi thảo luận, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ những nội dung trọng tâm của các cuộc họp song phương là tìm hiểu kế hoạch và tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về lĩnh vực giao thông công cộng bền vững và đánh giá các cơ hội tiềm năng hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam trong lĩnh vực giao thông.
Bên cạnh đó, các đơn vị tài chính, các đơn vị vận hành, nhà đầu tư và chính quyền liên quan đã gặp gỡ, trao đổi về cách thức làm thế nào các giải pháp của Thụy Điển có thể hỗ trợ Việt Nam tăng cường phát triển bền vững giao thông đô thị, với mục tiêu hướng giao thông công cộng trở thành phương tiện vận tải thân thiện và phổ biến với người dân./.