Tinh thần xung kích của thế hệ trẻ ở quần đảo Hoàng Sa

Tinh thần xung kích của những người trẻ ở quần đảo Hoàng Sa

Ở Hoàng Sa, trong tiếng sóng biển gầm gào, động lực kết nối những người trẻ ra khơi, bám biển chính là tình đồng đội, là lý tưởng cách mạng.
Tinh thần xung kích của những người trẻ ở quần đảo Hoàng Sa ảnh 1Tàu Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ thực thi pháp luật tại vùng biển Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. (Ảnh: Công Định - Hữu Trung/TTXVN)

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” - hàng chục năm qua, lời căn dặn sống mãi với thời gian ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu với sức sống mãnh liệt, trở thành lý tưởng cách mạng, mục tiêu phấn đấu của tuổi trẻ Việt Nam qua mỗi giai đoạn thăng trầm của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm nhiệm vụ với những kiểm ngư viên trẻ trong những tháng ngày đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa, chúng tôi đã có dịp chứng kiến những hình ảnh đẹp về thế hệ thanh niên hôm nay qua câu chuyện về ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần xung kích của những người trẻ trên con tàu Kiểm ngư 22 (KN-22).

Biển động cấp 6. Những ngọn sóng bạc đầu chồm lên cao 5-7m, vượt qua mạn, ngoạm lấy mũi tàu rồi bất thình lình, đổ ầm ập xuống boong như muốn nuốt lấy con tàu bé nhỏ. Hai bên mạn, sóng vỗ roàm roạp, ngấu nghiến như muốn xẻ đôi thân tàu. KN-22 khựng lại, rung lên, rồi lắc lư theo từng nhịp sóng, lùi lũi xuyên qua từng bức tường sóng, hướng về phía trước. Trên cabin, 3-4 thuyền viên mắt dán chặt vào hải đồ và chiếc la bàn điện.

Thuyền phó Bùi Thế Vũ - một kiểm ngư viên trẻ, nước da ngăm đen đang ghì chặt lấy bục vôlăng, bàn tay rắn chắc của anh nhịp nhàng điều chỉnh cần lái, né những con sóng trực diện, giữ hướng hải trình cho con tàu.

Khác với cái vẻ đầy lo lắng của đám nhà báo chưa kịp ngấm sóng, cố giang chân, giang tay, bám víu vào mọi thứ xung quanh để hòa với nhịp lắc của con tàu vào sóng, gương mặt Vũ dù tập trung cao độ nhưng vẫn không mất đi vẻ điềm tĩnh. Nhoẻn cười trước cái vẻ lóng ngóng tội nghiệp như những đứa trẻ cố giữ thăng bằng trong mỗi bước đi của chúng tôi, Vũ trấn an: "Sóng thế này mới chỉ là lời chào của biển vào mùa bão thôi, các anh. Mùa biển động, có những con sóng khủng khiếp, hung bạo hơn thế này nhiều."

Những ngày trên tàu, tiếp xúc, gần gũi với Bùi Thế Vũ, chúng tôi cảm nhận được phong cách hiên ngang đầy chất thanh niên của anh. Cái buổi chia tay người vợ mới cưới, lên đường làm nhiệm vụ của người thanh niên này, như một hồi tiểu thuyết thời chiến, thực sự khiến những nhà báo quanh năm làm bạn với những chuyến đi, gặp biết bao mảnh đời như chúng tôi cũng phải bùi ngùi, cay cay sống mũi.

Thuộc lứa tuổi 8x, quê ở Nam Định, sau nhiều năm theo nghề đi biển, Vũ lấy vợ, một cô giáo trẻ quê ở vùng biển Nha Trang. Đám cưới của cặp trai trẻ được tổ chức cuối tháng 3/2014. Giấy mời đã phát, cả tàu, ai nấy cùng mừng cho anh thuyền phó “bỗng dưng được vợ” và chuẩn bị tham dự đám cưới đôi vợ chồng trẻ. Đùng một cái, tàu bất ngờ được lệnh vào xưởng, sửa chữa, thủy thủ đoàn tức tốc theo tàu. Cái kế hoạch uống rượu mừng người đồng đội rước dâu đành bỏ dở.

Sau đám cưới, Vũ tạm biệt người vợ trẻ, trở lại đơn vị công tác, định bụng, đến dịp ngày lễ, kỷ niệm 30/4 sẽ xin nghỉ phép, về đưa vợ đi tuần trăng mật. Đúng lộ trình, anh trở về Nha Trang, đón cô giáo trẻ ra Đà Nẵng du lịch hồ hởi với 3 ngày nghỉ phép. Nhưng một lần nữa, cái kế hoạch mà chàng thuyền phó mất bao công sắp xếp để dành tặng cho người vợ trẻ lại vẫn bất thành. Tới Đà Nẵng, hưởng tiện nghi khách sạn được 1 đêm, đúng vào buổi sáng đang cùng vợ mua vé lên cáp treo Bà Nà thăm quan, Vũ bất ngờ nhận được lệnh tập trung từ cơ quan ra quần đảo Hoàng Sa đảm bảo an toàn cho ngư dân và đấu tranh với hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo. Không thể chần chừ, dù cho người vợ khóc đẫm nước mắt. Đôi vợ chồng trẻ lại một lần nữa phải tạm xa nhau. Ngay chiều hôm đó, Vũ xuống tàu, người vợ trẻ lụi thụi bắt xe đò về lại Nha Trang với đôi vé cáp treo chưa kịp sử dụng vẫn nằm nguyên trong túi du lịch như một kỷ niệm về tuần trăng mật đáng nhớ.

“Kể từ ngày cưới, em mới ở với vợ được 2 ngày anh ạ. Kể cũng thương cho cô ấy. Nhưng nhiệm vụ là trên hết, vì biển đảo thân thương, vì chủ quyền Tổ quốc, mình lên đường,” thuyền phó Bùi Thế Vũ thổ lộ. Mỗi lúc tan giờ làm nhiệm vụ, tôi để ý, trên tay anh, màn hình chiếc điện thoại di động sáng rực rỡ tấm hình cưới của đôi vợ chồng trẻ. Đôi mắt cô dâu ánh lên cái nhìn hạnh phúc.

Khác với vóc dáng vạm vỡ của anh bạn 8x, đồng hương Bùi Thế Vũ, thuyền phó Bùi Văn Diễn mảnh mai, thư sinh hơn. 27 tuổi, chưa một lần có người yêu, nhưng Diễn là chàng trai vui vẻ nhất, hoạt náo nhất trên tàu KN-22 với nụ cười tươi rói, rạng rỡ. Nhiệm vụ nối nhiệm vụ, ra khơi nối ra khơi, đã 8 tháng nay, vắt từ năm cũ qua năm mới, Thuyền phó Bùi Văn Diễn chưa 1 lần có thời gian ra Bắc, thăm nhà.

Diễn chiêm nghiệm "chọn nghề nào thì ngheo nghiệp ấy anh ạ." Từ những ngày đầu, khi bước chân nhập lực lượng kiểm ngư, Diễn tự nhủ với lòng, tuổi thanh xuân của mình sẽ gắn liền với sóng, với gió và các ngư trường giữa biển cả bao la.

Diễn nhăn nhó: “Chỉ khổ nhất là cái món lấy vợ anh ạ, mỗi lần ghé thăm nhà, các cụ nhà em giục ghê lắm. Bạn bè cùng trang, ở quê, giờ có đứa hai, ba mặt con rồi. Mỗi bận em về, cứ hễ các cụ động đến chuyện ấy, em lại kiếm cớ đi chơi nhà bạn.” Khó khăn vất vả nơi muôn trùng khơi đã nhường chỗ cho ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của tuổi trẻ.

Diễn lạc quan: “Em nghĩ mình còn trẻ, càng trẻ, càng phải phấn đấu anh ạ. Giờ Tổ quốc cần, mình không lên đường thì cũng có người khác nhưng như thế là không đúng với lòng, trong hoàn cảnh này, phải đặt nhiệm vụ trên hết anh ạ.”

Hai tháng, hơn 60 ngày, những cán bộ kiểm ngư trẻ trên con tàu KN-22, liên tục bám biển, ôm tàu, làm nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Họ tạm xa quê hương, xa gia đình bé nhỏ của mình - những miền quê đồng bằng Bắc Bộ với những cánh đồng xanh mướt chân đê, những mái đình, giếng nước rộn tiếng trẻ nô đùa, để tiếp tục giữ lái, hướng con tàu đến thực địa, đấu tranh với những đội tàu hung hăng của Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền vùng biển quê hương.

Đối mặt với nguy hiểm cận kề, với thái độ hung hãn đến tàn bạo của các tàu Trung Quốc, phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề, nhưng những chàng trai trẻ trên tàu KN-22 vẫn giữ vững tinh thần, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với hành vi xâm phạm chủ quyền, giữ vững thái độ kiềm chế, điềm tĩnh, khôn khéo để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa cố gắng giảm thiểu thiệt hại cho tàu, đảm bảo an toàn cho thủy thủ đoàn.

Một kỷ niệm hết sức đáng nhớ trong chuyến hải hành đặc biệt này của chúng tôi là buổi sinh hoạt đoàn chung với Chi đoàn thanh niên KN-22. Tranh thủ thời gian ngơi nghỉ sau một ngày tiến sâu vào trong khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, các đoàn viên thanh niên tàu KN-22 đã tổ chức buổi sinh hoạt đoàn định kỳ “mở rộng”. Khách mời, ngoài chỉ huy tàu, còn có cả những nhà báo. Buổi sinh hoạt có nước ngọt, bánh kẹo là tài sản cá nhân của anh em kiểm ngư viên mang theo từ đất liền, được tổ chức ngay trên bong tàu, nơi chỉ cách vị trí hạ đặt trái phép của giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) chừng hơn 10 hải lý.

Phan Tiến Định - Bí thư Chi đoàn tàu KN22, chàng trai quê Hải Phòng bắt nhịp bài ca truyền thống của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đó cũng là lần đầu tiên, chúng tôi được hát, được nghe, được cảm nhận những lời ca quen thuộc của các thế hệ thanh niên Việt Nam giữa biển trời Hoàng Sa.

Ở nơi ấy, trong tiếng sóng biển gầm gào, trong vị mặn chát của gió, xa ánh đèn thành phố, xa những cám dỗ đời thường, không có Internet, cũng chẳng có quán bia hơi, động lực kết nối những người trẻ ra khơi, bám biển chính là tình đồng đội, là lý tưởng cách mạng. Trong cái không khí xúc động, cảm phục đến nghẹn ngào, chúng tôi, đại diện cho Tuổi trẻ TTXVN đã vinh dự trao món quà nhỏ tặng Tuổi trẻ tàu KN-22, để ghi dấu một buổi giao lưu, một kỷ niệm không thể nào quên về những tháng ngày chung vai vì trách nhiệm với Tổ quốc.

Bí thư Phan Tiến Định tâm sự từ những việc làm nhỏ nhất như thi đua gìn giữ nơi ăn ở sạch đẹp, giữ gìn vệ sinh boong, buồng lái; ngủ nghỉ, làm nhiệm vụ đúng giờ; tác phong kiểm ngư mẫu mực; xung phong nhận nhiệm vụ khó..., kể từ ngày nhận nhiệm vụ ra đấu tranh trên thực địa, mọi thành viên Chi đoàn KN-22 đều nỗ lực phấn đấu gấp đôi, gấp ba ngày thường. Không ai bảo ai, các đoàn viên trong chi đoàn đều ý thức sâu sắc về trọng trách nặng nề nhưng vinh dự của mình để cố gắng, để thi đua, đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của tàu, xứng đáng với niềm tin ở đất liền.

Dẫu những hiểm nguy còn ở phía trước, dẫu cho mỗi chuyến đi còn chưa biết ngày về lại, mặc cho khó khăn đang chờ đón, theo tiếng gọi của tuổi trẻ, của Tổ quốc thân yêu, những người trẻ trên tàu KN-22 vẫn “kết liền lại,” chung tay vì nghĩa vụ của thanh niên. Họ vẫn “cùng nhau đi lên,” bám biển, thực thi luật pháp, quên mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc như những vì sao sáng, những hình ảnh đẹp của thế hệ trẻ hôm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục