Tổng cục Đường bộ: Không mở rộng phạm vi giảm phí trạm BOT Sông Phan

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay phương án giảm giá vé vùng lân cận trạm thu phí Sông Phan được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận đã đúng phạm vi, đối tượng và tỷ lệ giảm giá.
Tổng cục Đường bộ: Không mở rộng phạm vi giảm phí trạm BOT Sông Phan ảnh 1 Trạm thu phí Sông Phan. (Nguồn: Báo Người lao động)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản trả lời Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận liên quan việc mở rộng phạm vi, tăng mức miễn phí, giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm thu phí Sông Phan thuộc dự án BOT Quốc lộ 1, đoạn Phan Thiết-Đồng Nai.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay phương án giảm giá vé vùng lân cận trạm thu phí Sông Phan được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận đã đúng phạm vi, đối tượng và tỷ lệ giảm giá.

Phương án giảm giá vùng lân cận các trạm thu phí là chủ trương chung của Bộ Giao thông Vận tải và được áp dụng chung cho các trạm thu phí.

Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên truyền với cử tri Hàm Thuận Nam thực hiện Chỉ thị 82/2018/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT, đồng thời thực hiện chủ trương, chính sách của cơ quan nhà nước thẩm quyền trong thu phí đường bộ.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đề xuất mở rộng phạm vi, tăng mức miễn, giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm thu phí Sông Phan thuộc Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết-Đồng Nai.

Trong văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết phạm vi giảm giá bao gồm các xã Hàm Minh, Hàm Cường và một phần thị trấn Thuận Nam trong phạm vi bán kính 5km so với trạm thu phí Sông Phan, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

[Gỡ vướng chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng dự án BOT]

Đối tượng giảm giá là các phương tiện của chủ sở hữu là cá nhân có hộ khẩu thường trú và tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính đóng tại khu vực thuộc phạm vi được giảm giá. Tỷ lệ giảm của xe buýt là 100%, xe không kinh doanh là 50%, xe khác là 40%.

Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng hiện nay, cử tri huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục kiến nghị tăng phạm vi và tỷ lệ miễn, giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm thu phí Sông Phan.

Để giải quyết kiến nghị trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục giải quyết kiến nghị của người dân về miễn, giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm thu phí này.

Dự án cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1, đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến huyện Trảng Bom (Đồng Nai) dài hơn 114km có tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng, do Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư-kinh doanh-chuyển giao).

Dự án được khởi công tháng 4/2014 và hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục