TP.HCM tạm ngưng, giảm chuyến nhiều loại hình vận tải đến hết 15/4

Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định giảm 60% so với biểu đồ chạy xe trên tất cả các tuyến từ thành phố đi các địa phương.
TP.HCM tạm ngưng, giảm chuyến nhiều loại hình vận tải đến hết 15/4 ảnh 1Đo thân nhiệt tại cửa soát vé của một bến xe. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chiều 27/3, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo về tổ chức hoạt động vận tải trước các diễn biến phức tạp mới của dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều tuyến xe buýt tạm ngưng hoạt động, nhiều loại hình vận tải phải giảm số chuyến, số lượng hành khách từ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4 (kéo dài hơn 10 ngày so với đề xuất trước đó của Sở Giao thông Vận tải).

Thông báo nêu rõ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạm ngưng hoạt động của 54 tuyến xe buýt, gồm 27 tuyến xe buýt không trợ giá kết nối đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu; 9 tuyến xe buýt không trợ giá nội tỉnh và 18 tuyến xe buýt có trợ giá nhưng có nhu cầu khách đi lại thấp với bình quân dưới 1.200 hành khách/ngày.

Thành phố chỉ xem xét duy trì hoạt động một số tuyến có trợ giá có nhu cầu khách đi lại cao, có lộ trình hoạt động trên các tuyến đường trục và không có phương tiện giao thông khác thay thế.

Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định giảm 60% so với biểu đồ chạy xe trên tất cả các tuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các địa phương. Ngoài ra, tạm dừng tuyến cố định kết nối với các huyện biên giới thuộc tỉnh Long An.

Vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng như các hoạt động vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, xe trung chuyển triển khai đảm bảo tất cả các chuyến xe đều phải vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 20 khách/chuyến.

Riêng xe trung chuyển và xe 16 chỗ tối đa không quá 8 người/chuyến. Hành khách trên xe buộc phải đeo khẩu trang, ngồi xen kẽ giữa các hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.

Các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi và xe ôtô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ thực hiện nghiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Đối với hành khách, buộc phải khai báo y tế và đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ theo đúng quy định.

Đối với bến phà Cát Lái và Bình Khánh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong thành phố bố trí tần suất chuyến phà hoạt động hợp lý, vận chuyển hành khách bảo đảm không được chở quá sức chứa 50%, bảo đảm cho hành khách trên phà cách nhau tối thiểu 2m và phải đeo khẩu trang theo quy định.

[Dịch COVID-19: TP.HCM tạm ngưng nhiều tuyến xe buýt và giảm xe khách]

Tại các bến khách ngang sông, các cảng, bến thủy nội địa, thành phố yêu cầu phải điều phối, hướng dẫn vừa đủ lượng người, xe xuống phương tiện thủy, vận chuyển hành khách bảo đảm không được chở quá sức chứa 50% và không quá 20 khách.

Bên cạnh đó, tàu du lịch hoạt động phải đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến.

Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố từ chối cấp giấy phép vào, rời bến cho phương tiện khi hành khách không đeo khẩu trang, không thực hiện đúng quy định về số lượng hành khách trên mỗi chuyến và không giữ đúng khoảng cách an toàn tối thiểu 2m.

Các đơn vị vận tải từ chối hành khách không đeo khẩu trang, không khai báo y tế. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải không tăng giá vé trong giai đoạn hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục