Mục tiêu của Ngân hàng Chính sách xã hội là để 100% hộ nghèo, đối tượng chính sách khi có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp xúc nguồn vốn tín dụng ưu đãi do ngân hàng cung cấp góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Một trong những đáp án cho mục tiêu đó là đẩy mạnh công nghệ hiện đại, góp phần đẩy mạnh tài chính toàn diện của Việt Nam.
Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách đã thực hiện các bước đi cần thiết để tăng cường phát triển tài chính toàn diện.
Đầu năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức Oxfam đã ký thỏa thuận hợp tác về khả năng nghiên cứu tiếp cận giáo dục tài chính của người nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động.
[Tăng công lực cho phương thức truyền tải nguồn vốn chính sách]
Nghiên cứu thử nghiệm giáo dục tài chính là giải pháp nhằm thông tin cho khách hàng về các chương trình tín dụng chính sách; giúp khách hàng nâng cao hiểu biết tài chính về sử dụng vốn, tiết kiệm, chi tiêu làm quen với công nghệ số, tạo bình đẳng thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Bà Lê Kim Thái, đại diện Tổ chức Oxfam cho biết dự án này thử nghiệm một giải pháp sáng tạo thông qua smartphone, thúc đẩy việc truyền đạt kiến thức cơ bản về tài chính đến với số đông người nghèo ở khắp các vùng miền, nâng cao kỹ năng nhận và xử lý thông tin tài chính qua điện thoại di động.
Ngân hàng Chính sách và Oxfam đã khảo sát về nhu cầu giáo dục tài chính của khách hàng tại 3 tỉnh Hải Dương, Thanh Hoá và Quảng Ngãi.
Kết quả khảo sát cho thấy trên 80% khách hàng được phỏng vấn đều nhận thức lợi ích của giáo dục tài chính đối với bản thân và gia đình.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, Ngân hàng Chính sách xã hội thiết kế và thử nghiệm phần mềm ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại di động (App). Với giao diện tính năng đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng phù hợp với đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Bà Nguyễn Thành Phương Chi, Phó giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết: Ứng dụng này được sử dụng trên smarphone có hệ điều hành Android và iOS. Năm 2020 tại Chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện do Ngân hàng Nhà nước ban hành có đề cập giáo dục tài chính là một trong những trụ cột quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển giáo dục tài chính toàn diện để giúp cho người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ứng dụng giáo dục tài chính góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính ưu đãi, giúp các khách hàng theo kịp với tiến trình triển khai Chính phủ điện tử và dịch vụ công quốc gia./.