Ủy ban châu Âu kêu gọi Đức tăng đầu tư và Pháp tiếp tục cải cách

EC kêu gọi Đức tận dụng việc kinh tế tăng trưởng mạnh để đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trong khi Pháp cần thực hiện các cải cách về tài chính công nhằm đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách.
Ảnh minh họa. (Nguồn: www.telegraph.co.uk)

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 13/5 kêu gọi Đức tận dụng việc kinh tế tăng trưởng mạnh để đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trong khi Pháp cần thực hiện các cải cách về tài chính công nhằm đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách vào năm 2017.

Trong bản Khuyến nghị chính sách kinh tế hàng năm đối với các nước Liên minh châu Âu (EU), ngoại trừ Hy Lạp và Cyprus hiện đang nhận cứu trợ tài chính, EC cũng cho biết Italy cũng cần củng cố tài chính công để hỗ trợ cải cách.

Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, dự kiến ​​sẽ có thặng dư ngân sách về cơ cấu (khoảng 0,25-0,75% GDP) cho đến năm 2019, và nợ công được dự báo sẽ giảm xuống còn tương đương 61,5% GDP vào năm 2019.

Trong khuyến nghị trên, EC cho biết tình hình tài chính Đức cải thiện đang "tạo điều kiện" để thúc đẩy đầu tư, nhất là vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và nghiên cứu. Nhiều nhà hoạch định chính sách cho rằng sự liên kết thương mại chặt chẽ giữa các quốc gia trong Eurozone, hay việc Đức tăng cường đầu tư, sẽ thúc đẩy nhu cầu và tăng trưởng của khối 28 nước thuộc EU.

Theo bản khuyến nghị của EC, Pháp nên có những biện pháp cần thiết cho tất cả các năm để đạt mục tiêu giảm giảm thâm hụt ngân sách. EC cũng yêu cầu Pháp xác định những khoản chi tiêu sẽ cắt giảm và có sự đánh giá tính hiệu quả của từng đề xuất.

Phó Chủ tịch EC, ông Valdis Dombrovskis nhấn mạnh đến các cải cách trên thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng hệ thống thuế hiệu quả, và thiết lập mức lương và trợ cấp thất nghiệp.

Hồi tháng Ba, các Bộ trưởng Tài chính EU đã dành cho Pháp thêm hai năm (đến năm 2017) để nước này đưa thâm hụt ngân sách về mức trần 3% GDP theo quy định của EU. Paris nói rằng sẽ giảm dần thâm hụt hàng năm và sẽ đạt mục tiêu dưới 3% GDP trong năm 2017.

Ủy ban châu Âu cũng nới lỏng việc giảm thâm hụt ngân sách cho Italy để hỗ trợ cải cách kinh tế của nước này. Theo quy định của EU, mỗi quốc gia cần giảm 0,5% GDP thâm hụt ngân sách về cơ cấu mỗi năm cho đến khi đạt cân bằng ngân sách.

Cơ quan này kêu gọi Rome nhanh chóng tư nhân hóa các tài sản nhà nước, và sử dụng nguồn tiền thu được để giảm nợ và thực thi các luật lệ quy định làm cơ sở cho việc thực hiện cải cách thuế vào tháng 9/2015.

Cùng ngày, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết kinh tế của EU và Eurozone cùng tăng trưởng 0,4% trong quý 1/2015, có tính yếu tố điều chỉnh theo mùa. Nếu so với cùng kỳ năm 2014, GDP của EU và Eurozone trong quý vừa qua tăng lần lượt là 1,4% và 1%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục