Nền văn hóa Việt Nam đã chuyển biến mạnh mẽ, có những đóng góp tích cực, quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước trong thời đại mới.
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, đang đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại New York về chủ đề văn hóa trong giai đoạn Việt Nam hội nhập quốc tế, bà Nguyễn Chung - Giám đốc Chương trình tiếng Việt thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á, Đại học Columbia (New York, Mỹ), đánh giá bà ấn tượng với chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam đặt người dân vào vị trí trung tâm trong mọi đường lối phát triển, thể hiện nét độc đáo của văn hóa Việt Nam và chính đường lối này đã tạo ra sức mạnh nội sinh trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chủ trương, chính sách ấy có một nội dung rất hay đó là "xây dựng tính cách người Việt Nam hiện đại."
Bà Nguyễn Chung đánh giá đó là một ý tưởng, một quyết định rất cấp tiếp vì trong khi chúng ta gìn giữ những nét văn hóa truyền thống dân tộc, thì cũng cần xây dựng những phẩm chất, tính cách mới, hiện đại, để phù hợp, thích ứng với xu thế phát triển và toàn cầu hóa hiện nay.
Theo học giả Mỹ, đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi đường lối phát triển không chỉ đơn thuần là chính sách mang lại sức mạnh nội sinh để phát triển và xây dựng đất nước, mà còn trở thành yếu tố chắp cánh cho Việt Nam trên con đường hội nhập với cộng đồng quốc tế, với tư cách là một thành viên năng động, tích cực, đầy trách nhiệm và sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước.
Chủ trương này thể hiện rõ nét tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc. Việt Nam không chỉ bảo vệ lợi ích của người dân Việt Nam, mà còn hành động vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc bảo vệ quyền lợi của các quốc gia đang phát triển và gặp khó khăn. Việt Nam đã mang tinh thần hết sức nhân văn ấy chia sẻ và đóng góp tại các diễn đàn quốc tế, được bạn bè thế giới ghi nhận và tôn trọng.
Đánh giá cao chủ trương lấy người dân làm trung tâm trong mọi đường lối phát triển đất nước của Đảng và Chính phủ Việt Nam, bà Nguyễn Chung cũng cho rằng mỗi người sinh ra đều có cội có nguồn, mà con người lại chính là chủ thể của văn hóa. Văn hóa giống như ngọn đuốc soi rọi con đường phát triển của mỗi cá nhân, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tại Việt Nam trong những năm qua.
Học giả Mỹ đánh giá một trong những nét văn hóa đẹp nữa của người Việt đó là đức tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Phẩm chất này đã giúp ích rất nhiều trong quá trình cộng đồng người Việt hội nhập ở nước ngoài.
Chúng ta có thể thấy rõ điều ấy trong đại dịch COVID-19, người Việt không chỉ giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần "lá lành đùm lá rách," mà còn hỗ trợ các cộng đồng khác, từ điều nhỏ nhất như tặng chiếc khẩu trang y tế, cho tới giúp đỡ về lương thực thực phẩm và động viên tinh thần.
Nét đặc sắc mang đậm chất văn hóa Việt, tính cách con người Việt này đã giúp cộng đồng người Việt có thể nhanh chóng hội nhập, đồng thời có nhiều đóng góp và phát triển tại Mỹ.
Bên cạnh đó, là một trong những quốc gia bị tàn phá nặng nề nhất bởi chiến tranh, song khi hội nhập quốc tế, người Việt Nam đã thể hiện tính cách vị tha, nhân ái, bao dung.
Bà Nguyễn Chung đánh giá cao chủ trương gác lại quá khứ để mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa giữa Việt Nam với Mỹ, cũng như với cộng đồng quốc tế.
Chính phẩm chất nhân hậu, sẵn sàng mở lòng để cùng nhau hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, đã góp phần "nâng đôi cánh" Việt Nam trên con đường hội nhập. Đó chính là nét đẹp, là sức mạnh nội sinh của văn hóa Việt Nam./.
Giáo sư Nhật Bản đánh giá cao văn hóa coi trọng tình người của Việt Nam
Giáo sư Junichi Iwatsuki, ngành Ngôn ngữ xã hội học, khẳng định từ xưa và trong cả thời đại hiện nay, việc Việt Nam vẫn coi trọng mối quan hệ con người hơn lợi ích kinh tế là một đặc điểm nổi bật.