Việt Nam dự Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO

Đoàn đại biểu Việt Nam do giáo sư-tiến sỹ Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, khai mạc ngày 10/10, ở Philippines.
Việt Nam dự Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO ảnh 1Các đại biểu dự Hội nghị. (Nguồn: Bộ Y tế)

Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) đã khai mạc ngày 10/10, tại thủ đô Manila của Philippines, với sự tham dự của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực Thái Bình Dương (từ Trung Quốc ở phía Bắc, New Zeland ở phía Nam đến các đảo Tây Thái Bình Dương ở phía Đông).

Các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề y tế quan trọng ảnh hưởng đến 1,9 tỷ dân trong khu vực. Quốc đảo New Caledonia, tham dự hội nghị với tư cách quan sát viên, chưa có quyền bầu cử.

Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia được bầu làm Chủ tịch Hội nghị. Tham dự hội nghị còn có sự hiện diện của Margaret Chan, Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới.

Đoàn đại biểu Việt Nam do giáo sư-tiến sỹ Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị.

Tại phiên khai mạc, tiến sỹ-bác sỹ Shin Young-soo, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới, đã nhấn mạnh những thành tựu và khó khăn thách thức của khu vực trong một năm qua.

Một số tiến bộ đạt được về sức khỏe của khu vực bao gồm: duy trì tốt kết quả thanh toán bại liệt, tiến tới đạt mục tiêu toàn cầu về phòng chống bệnh viêm gan (dưới 1% số trẻ em 5 tuổi bị nhiễm viêm gan B mạn tính vào cuối năm 201, đạt các kết quả tích cực về tiêm chủng, phòng chống bệnh viêm gan virus và kiểm soát lao, trong đó liệu trình điều trị mới đối với lao kháng thuốc đã được rút ngắn nhiều, điều trị lao kháng đa thuốc cũng được cải thiện tích cực.

Công tác phòng chống sốt rét và sốt xuất huyết trong năm qua được triển khai liên tục theo các kế hoạch. Lĩnh vực ứng phó với các bệnh truyền nhiễm đang nổi, đặc biệt là ứng phó với các dịch bệnh và các vấn đề khẩn cấp có nhiều tiến bộ, với 27 quốc gia trong tổng số 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đạt được các năng lực cốt lõi của Điều lệ Y tế Quốc tế.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, hơn 2.200 cơ sở y tế trong toàn khu vực đã cải thiện tốt các thực hành lâm sàng, với hơn 2.7000 cán bộ y tế được tập huấn trong lĩnh vực này.

Vấn đề nước sạch, vệ sinh, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và các nguy cơ sức khỏe từ môi trường cũng được chú trọng nhiều hơn trong năm qua. Bên cạnh đó, toàn khu vực cũng đang bước vào giai đoạn mới thực hiện các Mục tiêu tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030.

Giáo sư-tiến sỹ Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã có bài phát biểu tại hội nghị, chúc mừng những kết quả tốt đẹp về chăm sóc sức khỏe người dân của Khu vực Tây Thái Bình Dương, đánh giá cao những nỗ lực của các quốc gia và Tổ chức Y tế Thế giới hợp tác đạt các mục tiêu chung.

Đồng thời, Trưởng đoàn Việt Nam cũng chia sẻ với toàn khu vực về một số kết quả nổi bật của y tế Việt Nam trong qua, cũng như một số khó khăn mà Việt Nam đang nỗ lực vượt qua, được cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực đánh giá cao.

Hiện nay, chiến lược bao phủ y tế toàn dân của Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó hơn 75% dân số hiện nay đã có bảo hiểm y tế. Việt Nam cải thiện tốt việc tiếp cận thuốc thiết yếu và vắc xin thông qua các quy định của Luật Dược và tăng cường năng lực Cơ quan quản lý quốc gia về vắcxin (National Regulatory Authority-NRA).

Công tác phòng chống kháng thuốc, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, ứng phó với dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp của Việt Nam cũng được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường do đô thị hóa và công nghiệp hóa, gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số, sự gia tăng và khó đoán định của các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp…

Để có thể giải quyết những vấn đề này, Việt Nam hiện nay đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, cải cách đào tạo y và nhân lực y tế, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe người dân…

Nhân dịp này, giáo sư-tiến sỹ Lê Quang Cường cũng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Tổ chức Y tế Thế giới và đối tác phát triển cho Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia quốc tế, WHO Khu vực, WHO Việt Nam và cá nhân tiến sỹ-bác sỹ Shin-Young soo, Giám đốc WHO Khu vực, người dành nhiều tâm huyết và hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong tư vấn hoạch định chính sách y tế.

Chiều cùng ngày, 10/10, Phiên họp đặc biệt về Zika cũng được diễn ra.

Đại diện WHO Khu vực đã báo cáo tóm tắt về tình hình Zika trong khu vực và đề xuất một số biện pháp tăng cường ứng phó với căn bệnh này trong khu vực, theo đó đến nay khu vực Tây Thái Bình dương đã có 19 quốc gia ghi nhận ca bệnh do virus Zika.

WHO đề xuất thời gian tới, các quốc gia cần tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát (bao gồm cả giám sát ca bệnh và giám sát các trường hợp biến chứng do Zika), tăng cường hệ thống chăm sóc y tế cũng như cần xây dựng các chiến lược dài hạn để ứng phó với dịch bệnh này. Các quốc gia như Singapore, Philippines cũng đã cặp nhật và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống Zika thời gian qua.

Trong các ngày họp tiếp theo, từ 10-14/11 tới, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các nội dung y tế gồm: giảm tác động của bệnh sốt xuất huyết (dengue) đối với cộng đồng và các vấn đề kiểm soát muỗi Aedes để phòng ngừa và kiểm soát bệnh do virus Zika và chikungunya; đưa ra các chiến lược có tính thực tiễn nhằm giúp các quốc gia thúc đẩy các chương trình y tế và môi trường, với việc tăng cường năng lực quản trị, thiết lập mạng lưới, truyền thông và tài chính; tăng cường giám sát và đáp ứng với bệnh sốt rét, nhằm giảm gánh nặng cho các cộng đồng và người dân nghèo.

Các đại biểu cũng thảo luận về việc đưa ra các ưu tiên chính sách và chương trình, các lựa chọn triển khai và theo dõi, các năng lực cần thiết của lĩnh vực y tế, nhằm giúp các nước đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals); chuẩn bị sự sẵn sàng ứng phó với các bệnh mới nổi và các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp; rà soát những tiến độ đạt được của khu vực và các quốc gia trong việc kiểm soát HIV, lây nhiễm qua đường tình dục, tiêm chủng mở rộng, phòng ngừa khuyết tật (bao gồm cả phòng ngừa mù lòa) và phục hồi chức năng, sức khỏe trẻ sơ sinh, kháng kháng sinh và thuốc thiết yếu.

Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 14/10 tới, theo đó sẽ thông qua các nghị quyết về các vấn đề được thảo luận và các chương trình y tế của toàn khu vực, định hướng chính sách, làm cơ sở để Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia trong khu vực hợp tác triển khai thực hiện các hoạt động trong năm 2016-2017 nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục