Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tiếp tục đặt mục tiêu giữ vị thế là doanh nghiệp hàng không số 1, lực lượng vận tải chủ lực tại Việt Nam, trở thành hãng hàng không hàng đầu châu Á được khách hàng lựa chọn.
Bước chuyển mình bứt phá
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Vietnam Airlines lần thứ 5 vào ngày 29/8, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết giai đoạn 2015-2019 chứng kiến sự thay đổi cơ bản của cấu trúc thị trường vận tải hàng không Việt Nam, cả nội địa và quốc tế. Phân khúc giá rẻ tăng từ 30% lên 65% tại thị trường nội địa và từ 15% lên 40% ở thị trường quốc tế.
“Nhiều hãng hàng không mới tham gia thị trường, tăng ồ ạt số lượng máy bay, cạnh tranh hết sức khốc liệt, khiến giá vé máy bay giảm; các hãng hàng không giành giật nhân lực chuyên ngành, số lượng máy bay khai thác vượt quá mức độ đáp ứng của hạ tầng hàng không,” ông Thành đánh giá.
Mặc dù thị trường có nhiều biến động, giai đoạn này, Vietnam Airlines đã thực hiện 641.053 chuyến bay an toàn; hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ và chào bán thành công cổ phần ra công chúng (IPO); là hãng hàng không đầu tiên trong khu vực cùng đưa vào khai thác 2 dòng tàu bay hiện đại nhất Airbus A350 và Boeing 787; kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn; thu nhập người lao động được cải thiện nhanh chóng.
Đặc biệt, giai đoạn 2016-2019, Vietnam Airlines hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về hiệu quả và bảo toàn vốn như tổng sản lượng khách đạt 87,2 triệu lượt khách; tổng doanh thu hợp nhất đạt 355.870 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.456 tỷ đồng (vượt 4,6%); chỉ số đúng giờ (OTP) bình quân đạt 88,2%, là mức cao so với khu vực.
Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đạt 18.602 tỷ đồng, tăng 48,3% so với quy mô vốn chủ sở hữu đầu năm 2016. Số nộp ngân sách của hãng liên tục tăng qua các năm, tính cả giai đoạn 2015-2019, toàn Tổng công ty đã nộp ngân sách nhà nước 30.471 tỷ đồng.
[Vietnam Airlines sẽ được Nhà nước 'bơm vốn' để vượt dịch COVID-19]
Theo ông Thành, Vietnam Airlines cũng nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như vị thế của hãng khi duy trì được mức thị phần nội địa chi phối 57% (gồm Vietnam Airlines, VASCO và Pacific Airlines). Giá trị thương hiệu của Tổng công ty theo đánh giá của Brand Finance đã tăng vượt bậc, đạt 416 triệu USD năm 2018 (tăng 2 lần so với năm 2016.)
“Chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines được cải thiện rõ rệt qua từng năm. Từ 2016 đến nay, hãng liên tục được nhận chứng chỉ hãng hàng không 4 sao theo tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh Skytrax trao tặng,” Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản trị và hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai thành công bước đầu công tác chuyển đổi số doanh nghiệp.
Thừa nhận từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng có đối với ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng, ông Thành cho rằng, dịch COVID-19 đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch sản xuất kinh doanh và chiến lược phát triển của đơn vị.
“Trong giai đoạn khủng hoảng, toàn thể Đảng bộ và cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines đã vững vàng chủ động, hy sinh, cống hiến, linh hoạt, sáng tạo, báo cáo kịp thời các cơ quan cấp trên, triển khai nhiều chuyến bay giải cứu, hồi hương đồng bào (hơn 18.000 người), duy trì kết nối giao thương, đồng thời triển khai nhiều giải pháp mạnh, chủ động tiết kiệm, tiết giảm tới hơn 5.000 tỷ đồng chi phí,” ông Thành chia sẻ.
Giữ thị phần số 1 tại nội địa
Đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, Vietnam Airlines vẫn sẽ giữ vững vị thế là doanh nghiệp hàng không số 1 tại Việt Nam, Tập đoàn các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco) giữ thị phần số 1 tại nội địa Việt Nam.
Mặt khác, Vietnam Airlines hướng đến mục tiêu doanh nghiệp hàng không đạt nhóm 3 về quy mô doanh thu trong khu vực Đông Nam Á; phấn đấu đưa Tổng công ty đạt nhóm 10 hãng hàng không được ưa thích tại châu Á; trên cơ sở đặt an toàn chất lượng lên hàng đầu, củng cố dịch vụ 4 sao và từng bước đưa Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn hãng hàng không 5 sao trong nhiệm kỳ; thực hiện chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ hướng tới là hãng hàng không công nghệ số và trở thành doanh nghiệp được ưa thích hàng đầu tại thị trường lao động Việt Nam.
[Cần trao ''kiếm lệnh'' để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines]
Hãng cũng duy trì vị thế dẫn đầu của Vietnam Airlines Group tại Việt Nam về thị phần (trên 50% thị phần nội địa; trên 25% thị phần quốc tế) và năng lực cạnh tranh trên cơ sở không ngừng nâng cấp chất lượng dịch vụ, mở rộng quy mô khai thác mảng hàng không chi phí thấp (LCC), phục vụ tối đa nhu cầu đa dạng của khách hàng…
Vietnam Airlines sẽ đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt, đổi mới công tác quản trị điều hành kinh doanh vận tải hàng không kết hợp cả hai phân khúc truyền thống và giá rẻ nhằm đạt mục tiêu kép về thị phần lẫn hiệu quả. Hãng cũng đồng thời thực hiện tái cơ cấu Pacific Airlines và VASCO trên cơ sở tinh giản bộ máy, tận dụng các nguồn lực chung với Vietnam Airlines; tận dụng các lợi thế, thế mạnh của từng hãng, tiết giảm chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh chung của Vietnam Airlines Group.
Phát biểu tại Đại hội, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tin tưởng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ người lao động Vietnam Airlines xây dựng Tổng Công ty phục hồi, tăng trưởng nhanh, mạnh, bền vững, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế toàn cầu, khẳng định giá trị, vị thế hãng hàng không Quốc gia của Vietnam Airlines trong giai đoạn mới; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Vietnam Airlines lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bầu ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị giữ chức Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025./.