Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sau khi thẩm định dự án thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự án đủ điều kiện để Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Là đơn vị du lịch lữ hành tại Việt Nam, hằng năm phục vụ gần 1 triệu lượt khách, Vietravel có một lượng khách rất lớn và ổn định để đảm bảo cho các chuyến bay của mình, dự kiến được đưa vào khai thác trong quý 2/2020.
Ngoài ra, việc Vietravel Airlines chọn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Huế) làm sân bay căn cứ sẽ không tạo áp lực lên các sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, được xem là khá chật chội trong thời điểm hiện nay.
[Nếu được cấp phép, Vietravel Airlines sẽ tập trung vào thị trường nào?]
Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho Vietravel Airlines trong bối cảnh nhu cầu nguồn lực của ngành hàng không tăng cao, Vietravel - chủ sở hữu của Vietravel Airlines đã mua lại cổ phần Trường cao đẳng quốc tế KENT có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo hàng không; đồng thời định hướng KENT nâng cao năng lực để tập trung đào tạo nhân lực chuyên ngành hàng không và sẽ là cơ sở đào tạo quan trọng cho nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Vietravel Airlines.
Bên cạnh đó, Vietravel cũng đã làm việc với các tổ chức cung cấp nguồn nhân lực hàng không quốc tế như Brookfiel Aviation, Sigma Aviation Services… để cung cấp nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không, đặc biệt là phi công, thợ bảo dưỡng tàu bay... cho Vietravel Airlines.
Vietravel Airlines sẽ tập trung vào thị phần khách du lịch của Vietravel cũng như khách du lịch cả trong và ngoài nước. Cụ thể, Vietravel Airlines đặt mục tiêu cung cấp khoảng 55% ghế, tải của mình cho công ty mẹ Vietravel để đáp ứng khoảng từ 35-40% nhu cầu hành khách du lịch bằng đường hàng không của hãng.
Khoảng 60-65% nhu cầu còn lại, Vietravel sẽ tiếp tục sử dụng lịch bay thường lệ của các hãng hàng không khác.
Đối với các đường bay trong nước, Vietravel Airlines chủ trương chọn các cảng hàng không thứ cấp ở các điểm đến như: Chu Lai cho khu vực Đà Nẵng-Quảng Nam-Quảng Ngãi; Vân Đồn và Hải Phòng cho khu vực Quảng Ninh-Hà Nội-Hải Phòng; Cần Thơ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tránh ùn tắc.
Các đường bay quốc tế sẽ được gắn với tuyến du lịch quốc tế của Vietravel bằng đường hàng không. Mạng đường bay sẽ từ Việt Nam đi các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore...; các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Bắc Á như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc…; các nước Tây Nam Á như Ấn Độ, đảo Maldives.
Dự kiến từ năm thứ tư, mạng đường bay của Vietravel sẽ mở rộng sang Trung Đông, Australia và Newzeland; Nga, Anh, Pháp... tại châu Âu và thị trường Bắc Mỹ./.