Vòng đàm phán thứ ba về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Phía Hàn Quốc cho biết vòng đàm phán lần này rất quan trọng trong việc tạo ra tiến bộ cụ thể trong các lĩnh vực thương mại, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng.
Vòng đàm phán thứ ba về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Cảng container Tokyo ở Koto (Nhật Bản). (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MTIE) ngày 8/5 cho biết nước này sẽ tham dự vòng đàm phán thứ ba về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), dự kiến diễn ra từ ngày 8-15/5 tại Singapore.

Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của MTIE cho biết phái đoàn của Hàn Quốc gồm đại diện của MTIE và các bộ có liên quan như bộ tài chính, bộ ngoại giao, sẽ tham dự các cuộc họp trưởng đoàn và cấp làm việc của IPEF.

Theo MTIE, vòng đàm phán lần này sẽ rất quan trọng trong việc tạo ra tiến bộ cụ thể trong bốn lĩnh vực chính, gồm thương mại, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng.

[Đại diện Mỹ lạc quan về kết quả đàm phán IPEF vào cuối năm 2023]

IPEF được khởi động hồi tháng 5/2022 với mục tiêu thúc đẩy sự phục hồi, công bằng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và đầu tư trong khu vực. Vòng đàm phán đầu tiên về xây dựng quy tắc được tổ chức tại thành phố Brisbane của Australia vào tháng 12/2022.

Vòng đàm phán thứ hai diễn ra hồi tháng Ba tại Bali (Indonesia). Sau vòng đàm phán tại Singapore, vòng đàm phán thứ tư sẽ diễn ra tại thành phố cảng Busan của Hàn Quốc.

Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, 14 nước tham gia đàm phán IPEF, trong đó có Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, đóng góp 40% GDP toàn cầu và 28% thương mại hàng hóa và dịch vụ của thế giới.

Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với 13 nước còn lại trong đàm phán IPEF đạt 498,4 tỷ USD, chiếm 39,6% tổng kim ngạch thương mại của nước này trong năm đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.