Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Cần tận dụng thế mạnh pháp lý

Luật gia Trần Công Trục nhận định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiện vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương lên cơ quan tài phán quốc tế.
Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Cần tận dụng thế mạnh pháp lý ảnh 1Ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam trong buổi tuyên bố phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam( Nguồn: Hội Luật gia Việt Nam)

Luật gia Trần Công Trục nhận định vấn đề pháp lý chính là thế mạnh của Việt Nam trong vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, cần phải tận dụng thế mạnh này bằng cách đưa vấn đề lên cơ quan tài phán quốc tế để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Pháp lý quá rõ ràng

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - người đã dành cả đời để nghiên cứu về chủ quyền lãnh thổ - khẳng định: Vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) sâu vào thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý, hoàn toàn vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982.

Việc làm của Trung Quốc ở vụ giàn khoan Hải Dương-981 là hậu quả của việc lợi dụng biến vùng biển không tranh chấp thành vùng tranh chấp nhằm thực hiện mưu đồ “đường lưỡi bò.”

Tuy nhiên, Công ước Luật Biển năm 1982 cũng đã đề cập đến chế tài, chế định để các bên có thể đưa ra những vấn đề lên các cơ quan tài phán quốc tế về Luật Biển. Philiipines đã làm việc này và hội đồng trọng tài đã được thành lập để thụ lý hồ sơ. Vụ việc cũng đang nhận được sự đồng tình của các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Việc làm của Trung Quốc với Việt Nam lần này cũng như với Philippines và Việt Nam cũng hoàn toàn có thể tiến hành kiện Trung Quốc.

Ông Trục cũng thẳng thắn cho rằng việc đưa lên cơ quan tài phán quốc tế không nên sốt ruột, cho dù chúng ta đã đầy đủ chứng cứ. Chúng ta có thể kiện Trung Quốc về việc họ giải thích và áp dụng sai công ước và Việt Nam cần có sự chuẩn bị chu đáo trước khi thực hiện, lực lượng luật gia phải sẵn sàng.

“Đưa vụ việc này ra các cơ quan tài phán quốc tế là việc làm đúng đắn, văn minh trong xã hội hiện nay. Với tư cách là người nghiên cứu về vấn đề này, tôi khẳng định nếu chúng ta đưa vụ việc lên cơ quan tài phán quốc tế thì chắc chắn sẽ thắng,” ông Trục nói.

Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Cần tận dụng thế mạnh pháp lý ảnh 2Bản đồ xác định vị trí giàn khoan Hải Dương-981 của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc nằm bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. (Ảnh do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cung cấp)

Trung Quốc có đề nghị “không bình thường”

Trả lời câu hỏi về việc phía Trung Quốc đề nghị Việt Nam rút tàu ra khỏi khu vực Hải Dương-981 rồi mới tiến hành đàm phán, ông Trục cho rằng đây là một đề nghị không bình thường, nếu không muốn nói là buồn cười bởi vị trí giàn khoan Hải Dương-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không liên quan gì đến vùng chồng lấn.

Do đó, việc lực lượng của Việt Nam làm nhiệm vụ là bình thường, là lẽ đương nhiên và không việc gì phải rút trước khi tiến hành đàm phán.

Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cũng cho rằng, thời điểm hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc được tiến hành hết sức có tính toán. Đây là thời điểm quốc tế đang dồn sự chú ý vào diễn biến ở Ukraine và mối quan hệ của Nga với các nước châu Âu, Mỹ xung quanh vấn đề này thì một vụ việc ở Biển Đông không phải là vấn đề quá thu hút dư luận. Thêm vào đó, các nước trong khu vực tuy có thống nhất nhưng vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau….

Theo ông Trục, trước khi hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc đã làm rất nhiều việc như về ngoại giao, truyền thông, hoạt động thực địa…. 

Vị chuyên gia này cũng nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện ý đồ “đường lưỡi bò” của mình nếu như Việt Nam không có những biện pháp quyết liệt để ngăn cản bước tiến phi lý của nước này trên Biển Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục