Theo đại diện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng, lượng khách của xe buýt tăng nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra dù trợ giá của thành phố Hà Nội lên tới 4.600 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với các năm trước).
Vậy đâu là nguyên nhân khiến xe buýt vẫn chưa thể hút người dân đặt chân lên xe và chọn làm phương tiện đi lại chính trong khi chờ đợi các tuyến đường sắt đô thị hay metro vào khai thác?
Giá vé không hấp dẫn
Tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp vận tải về giải pháp nâng cao chất lượng và sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố Hà Nội vào sáng nay (22/11), theo báo cáo của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), tính đến tháng 11, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội gồm 118 tuyến.
Tuy vậy, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị cho rằng, sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt vẫn thấp hơn so với yêu cầu tăng trưởng (chỉ đạt 3,8% so với mục tiêu 5-8%). 30% số tuyến có sản lượng tăng, nhưng có đến 40% số tuyến và nhánh tuyến có xu thế giảm sản lượng.
[Hà Nội thiệt hại cả tỷ USD mỗi năm vì ‘căn bệnh’ ùn tắc giao thông]
Chỉ ra lý do chưa đạt được mục tiêu đề ra, ông Hải đưa ra nguyên nhân là do xe buýt vẫn phải chịu ảnh hưởng lớn của vấn nạn ùn tắc hiện nay.
Cụ thể, trong 10 tháng của năm nay, có tới 621 lượt xe phải bỏ do tắc đường; thời gian chuyến đi của hành khách chưa được đảm bảo, số chuyến lượt phải điều chỉnh linh hoạt lên tới hơn 131.000 lượt xe (chiếm 2,9%); số chuyến lượt phải quay đầu lên tới hơn 24.000 lượt xe (chiếm 0,55%); phương tiện trên 10 năm vẫn chiếm trên 23%, chưa được đổi mới...
Thậm chí, có những tuyến buýt mở ra phải 3 năm mới quen khách, nhưng hiện có một số tuyến điều chỉnh quá nhiều để phục vụ thi công hạ tầng, dẫn đến sụt giảm hành khách.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho rằng, hạ tầng phục vụ xe buýt mới chỉ có 12% các điểm dừng có nhà chờ. Thời gian chuyến đi của khách cũng bị ảnh hưởng, giảm sức hấp dẫn của xe buýt.
“Cách đây 3 năm chưa xuất hiện các loại hình ‘taxi, xe ôm công nghệ’ thì giá vé xe buýt còn hấp dẫn. Nhưng hiện nay có sự cạnh tranh mạnh mẽ và hấp dẫn hơn của các loại hình khác. Nếu đi xe buýt phải chuyển nhiều tuyến thì giá vé cũng không hấp dẫn,” ông Nhật chỉ ra thực tế.
Đưa ra biện pháp muốn tăng sản lượng hành khách phải tăng được tốc độ di chuyển của xe buýt, đảm bảo đi lại cho người dân, theo đại diện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp vận tải khách công cộng, thành phố cần tăng thêm tần suất đối với những tuyến có dịch vụ, tần suất thưa (30-40 phút) đồng thời giảm các tuyến có trùng luồng tuyến.
“Người dân cần sự ổn định của mạng lưới buýt, ít thay đổi. Hiện đang điều chỉnh tuyến buýt theo nhu cầu của doanh nghiệp chứ không theo nhu cầu của người dân,” ông Nguyễn Viết Hùng, Giám đốc chi nhánh Công ty Bắc Hà nhìn nhận.
Phải quy hoạch luồng tuyến ổn định
Theo ông Hải, Sở Giao thông Vận tải sẽ tập trung rà soát xem xét xử lý các tuyến có hiệu suất thấp, trong khi việc điều chỉnh luồng tuyến là khó tránh khỏi, dù cố gắng duy trì ổn định (đơn cử khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đi vào hoạt động, phải điều chỉnh luồng tuyến để tăng tính hỗ trợ và kết nối).
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cũng đề nghị công tác tổ chức giao thông quan tâm hơn cho xe buýt, có làn đường dành riêng, đây là yếu tố tiên quyết để đảm bảo cho xe buýt đúng giờ.
Khẳng định Hà Nội là một trong những thành phố có hệ thống xe buýt được đầu tư tương đối lớn khi đã “phủ sóng” tới 30 quận, huyện, tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, xe buýt vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân.
[“Xe buýt Hà Nội không còn đi nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn xe máy”]
Thừa nhận giá vé không phải vấn đề cốt lõi, ông Viện đặt ra hàng loạt các câu hỏi liên quan đến việc thu hút người dân đi xe buýt như: Mong muốn của người dân là gì? Có phải là vấn đề kết nối, tiếp cận điểm dừng, nhà chờ thuận tiện? Đặt vấn đề trách nhiệm doanh nghiệp một cách nghiêm túc, chứ không phải chỉ trông vào điều kiện hỗ trợ, trợ giá của thành phố? Tại sao khi đặt hàng xe buýt thì thường cao hơn đấu thầu? Phải chăng trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác quản lý điều hành, giám sát chưa tốt?
Đánh giá mạng lưới tuyến buýt của Hà Nội đang thiếu tầm nhìn dài hạn và muốn thu hút hành khách, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, Hà Nội phải có quy hoạch dài hạn, phải có luồng tuyến ổn định, không phải “nay chạy cung đường này, mai chạy cung đường khác”.
“Luồng tuyến buýt ở Hà Nội đang bị điều chỉnh quá nhiều nên người dân không thích ứng,” ông Viện nói và yêu cầu các đơn vị liên quan không được điều chỉnh luồng tuyến trong thời gian từ nay đến cuối năm./.
Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vừa đưa 22 xe mới vào hoạt động trên tuyến buýt 15 lộ trình Bến xe Gia Lâm-Phố Nỉ (Trung tâm thương mại Bình An).
Các phương tiện mới được thay thế trên tuyến số 15 đều được nhận diện thương hiệu màu sơn xanh nước biển với nhiều tiện ích tăng thêm cho khách như xe sàn bán thấp; tiêu chuẩn khí thải tiên tiến; hệ thống cabin độc lập cho lái xe; wifi miễn phí; lắp đặt 3 bảng thông tin điện tử LED hiện đại hiển thị lộ trình tuyến và nhận dạng thương hiệu...