Bánh chưng đen - món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Tày

Bánh chưng đen của đồng bào dân tộc Tày ở Lào Cai có hương vị thơm ngon, độc đáo với vị dẻo của gạo nếp, béo ngậy của thịt lợn, bùi của đậu xanh và cay nhẹ của hạt tiêu.
(Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Là một món ăn truyền thống của người Việt Nam, bánh chưng được ví như linh hồn của bữa cơm vào dịp Tết.

Nếu như bánh chưng vuông xanh là nét đẹp ẩm thực ngày Tết của người Kinh, bánh chưng đen của đồng bào dân tộc Tày ở Lào Cai lại độc đáo về nguyên liệu chế biến, giá trị về y học và hình thức gói bánh.

Khác với bánh chưng xanh dưới xuôi, đồng bào người Tày ở Bắc Hà (Lào Cai) có một loại bánh chưng độc đáo, với gạo trộn từ than của cây núc nác, cùng một số loại gia vị đặc trưng của vùng núi. Đó chính là bánh chưng đen, thứ bánh trước kia chỉ xuất hiện vào mùa Tết, nhưng giờ đây đã khá phổ biến và trở thành món đặc sản được nhiều khách du lịch tìm mua mỗi khi đến với vùng đất này.

Các nguyên liệu để làm bánh chưng đen. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Nguyên liệu làm bánh cũng có nhiều thứ khá đặc biệt mang hương vị vùng cao như lúa nếp nương, thảo quả, thịt lợn đen, đỗ xanh và đặc biệt là màu đen của bánh được tạo ra từ than gỗ của cây núc nác trên rừng.

Bánh chưng đen nhiều vùng khác cũng có nhưng phần lớn là đốt than từ rơm, trấu. Chỉ riêng bánh chưng đen Lào Cai là lấy than từ cây núc nác. Theo Đông y, núc nác vừa là cây thực phẩm, vừa là cây thuốc vô cùng quý trong văn hóa chữa bệnh của người Việt. Núc nác có vị đắng ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng, giải độc, sát trùng, nhuận phế, trị ho, giảm đau

Vì thế, khi làm nguyên liệu bánh chưng đen, bột than cây núc nác không chỉ tạo cho bánh một hương vị vô cùng độc đáo, mà tác dụng thanh nhiệt của loại cây này khiến thực khách khi thưởng thức bánh chưng đen không lo bị nóng như bánh chưng thông thường khác.

Tỉ lệ trộn than với gạo nếp vừa phải sao cho ra màu đen đẹp mắt mà ăn không bị thay đổi vị của bánh. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Gỗ cây núc nác phơi cho khô nỏ, đen đốt thành than. Quá trình đốt than này là lâu nhất, thường mất tới 2-3 tiếng đồng hồ. Khi đốt phải trông bếp, sao cho gỗ cháy vừa đủ thành than là phải tắt bếp, lấy luôn than ra cất vào lọ, nếu không than sẽ cháy ra tro hết.

Than đem giã hoặc nghiền vụn ra thành bột, trộn với gạo rồi đem đi giã, xong rồi sàng sảy sạch sẽ.

Gạo nếp sau khi được trộn với than cây núc nác cho ra màu đen đặc trưng. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Bên cạnh đỗ xanh đồ chín, thịt lợn đen trộn với muối, hạt tiêu xay nhuyễn, nhân bánh chưng đen của người Tày ở Lào Cai không thể thiếu thảo quả. Để làm gia vị cho bánh chưng đen, thảo quả được nướng lên, bóc vỏ, đập dập mịn hoặc xay nhuyễn rồi trộn vào gạo và thịt với một lượng vừa đủ để tạo mùi thơm đặc trưng cho bánh.

Kỹ thuật gói bánh chưng đen của mỗi gia đình đều có những nét riêng. Tuy nhiên, về cơ bản cách sắp xếp nguyên liệu làm bánh chưng đen tương tự với bánh chưng xanh của người Kinh.

Công đoạn gói bánh. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Đầu tiên, trải lá dong ra, mặt xanh của lá sẽ là mặt ngoài để sau khi bánh chín, màu bánh đẹp hơn. Tiếp theo lớp gạo trải đều là hai miếng thịt làm nhân, rồi phủ tiếp một lớp gạo nữa lên trên. Kích thước bánh to nhỏ là tùy ý định của người gói bánh.

Nếu bánh nhỏ, người làm có thể kẹp hai bánh cùng lúc mới buộc lạt và cho vào nồi luộc.

Trước khi luộc, bánh được mang ngâm qua nước lạnh một lần, sau đó xếp vào nồi, đổ nước cho ngập mặt lá. Thường bánh sẽ được nấu trong khoảng một đêm.

Bánh chưng đen có thể ăn nóng hoặc nguội. Bánh thường được chấm với nước mắm hoặc tương ớt. Bánh chưng đen có hương vị thơm ngon, độc đáo. Bánh có vị dẻo của gạo nếp, vị béo ngậy của thịt lợn, vị bùi của đậu xanh và vị cay nhẹ của tiêu. Bánh chưng đen thường được ăn vào dịp Tết Nguyên Đán và các lễ hội truyền thống của người Tày.

(Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Ngày trước, loại bánh này chỉ xuất hiện tại những ngày lễ, Tết, giỗ chạp… nhưng nay đã trở thành món ăn phổ biến mà bất cứ ai khi tới các khu du lịch của Lào Cai đều muốn mua về làm quà tặng người thân, bạn bè hay thưởng thức ngay tại chỗ.

Cùng với nét đặc sắc về khí hậu, phong cảnh, văn hóa, ẩm thực đã góp phần tạo nên nét hấp dẫn riêng biệt, đưa Lào Cai trở thành vùng đất du lịch nổi tiếng Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục