Hà Nội sắp vận hành 10 tuyến xe buýt điện thân thiện với môi trường

Hà Nội sắp vận hành 10 tuyến xe buýt điện thân thiện môi trường

Xe buýt điện sẽ giúp đa dạng hóa loại hình phương tiện công cộng phục vụ hành khách, góp thêm một giải pháp hiệu quả bảo vệ môi trường và chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ.
Hà Nội sắp vận hành 10 tuyến xe buýt điện thân thiện môi trường ảnh 1Hình ảnh xe buýt điện VinFast chính thức chạy thử nghiệm trên đường nội khu của nhà máy. (Ảnh: Vingroup cung cấp)

Trong khi chờ đặt chân lên các tuyến đường sắt đô thị, thời gian tới, người dân thành phố Hà Nội sẽ tiếp cận thêm một loại hình vận tải công cộng mới là xe buýt điện.

Thêm loại hình vận tải công cộng năng lượng sạch

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), dự kiến từ quý 2/2021, thành phố sẽ đưa vào vận hành 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện. Các tuyến buýt mới này có điểm đầu, điểm cuối tại các khu đô thị mới đông dân cư, nhu cầu sử dụng cao và sẽ thực hiện theo phương thức đặt hàng.

Cụ thể, 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện bao gồm Long Biên-Trần Phú-Khu đô thị Smart City; Khu đô thị Smart City-Công viên nước Hồ Tây; bến xe Giáp Bát-Khu đô thị Smart City; Long Biên-Cầu Giấy-Khu đô thị Smart City; Hào Nam-Khu đô thị Ocean Park; bến xe Mỹ Đình-Khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi)-Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ quan sở ngành Hà Nội-Khu đô thị Times City; Khu đô thị Smart City-Vincom Long Biên; Khu đô thị Ocean Park-sân bay Nội Bài.

Thực hiện chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần VinBus đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới bằng xe điện và cam kết đầu tư 150-200 xe điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đơn vị này hiện đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để bảo đảm các xe buýt điện sẽ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

[Vingroup chính thức vận hành chạy thử nghiệm xe buýt điện VinFast]

Bên cạnh việc sản xuất xe buýt điện, VinBus đã tuyển dụng đội ngũ nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất... để có thể vận hành ngay khi được cơ quan quản lý chấp thuận. Trong số đó, 2 khu Depot (nơi vận hành, tác nghiệp xe buýt điện) đang được Vingroup đầu tư xây dựng tại Khu đô thị Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) và Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm). Các Depot sẽ có chức năng văn phòng điều hành, trạm sạc năng lượng, xưởng bảo dưỡng, sửa chữa, điểm bán vé tháng và cung cấp dịch vụ cho hành khách...

Là người thường xuyên lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại khi đến thăm con cháu, bác Phan Minh Ngọc (Phúc Xá, Long Biên, Hà Nội) cho rằng Hà Nội đã có xe buýt truyền thống, xe buýt nhanh BRT và xe buýt sử dụng khí CNG (khí nén tự nhiên, cũng là một loại năng lượng sạch), nếu có thêm xe buýt điện sẽ giúp đa dạng hóa loại hình phương tiện công cộng phục vụ hành khách, góp thêm một giải pháp hiệu quả bảo vệ môi trường và chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhìn nhận việc sử dụng xe buýt điện phù hợp với chủ trương của thành phố Hà Nội, hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ và đa dạng hóa xe buýt sử dụng năng lượng sạch, bảo đảm các yêu cầu an sinh xã hội.

Tạo ra một tương lai xanh

Về vấn đề này, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và chủ trương bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

“Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh,” Thứ trưởng Thọ cho hay.

Trường hợp do loại xe buýt điện mới đưa vào hoạt động lần đầu tại Việt Nam nên chưa có định mức, đơn giá, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các đề xuất cơ chế đặc thù áp dụng tạm thời khi đưa loại phương tiện này tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.

[Hà Nội đưa xe buýt điện vào hoạt động trong giai đoạn 2021-2025]

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đánh giá phần lớn xe buýt hiện tại chỉ có tiêu chuẩn khí thải Euro 2 hoặc Euro 3, tức là mức độ phát thải ô nhiễm môi trường tương đối cao. Trong khi đó, xe buýt chạy điện sẽ cơ bản khắc phục được nhược điểm này.

“Việc xuất hiện xe buýt điện sẽ là tiêu chí mới, riêng biệt và hấp dẫn để thúc đẩy nhiều khách hàng mới cho xe buýt. Những chiếc xe buýt điện mới mẻ sẽ còn tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa về thói quen của người dân. Thay đổi quan trọng nhất là ý thức, trách nhiệm, là sự quan tâm đến những vấn đề chung như việc bảo vệ môi trường,” ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt ra những thắc mắc khi vận hành xe buýt điện này như sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề nạp năng lượng vì chưa có các trạm nạp năng lượng nhiều như cây xăng từ đó dẫn đến tần suất hoạt động phương tiện sẽ kém hiệu quả so với xe chạy bằng dầu hay khí CNG; về mùa mưa, nếu đường ngập có đủ đảm bảo an toàn cho xe không bị gặp bất kỳ vấn đề gì khi di chuyển trên đường?

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, đến hết năm 2020, mạng lưới xe buýt ở thành phố Hà Nội đã đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Để tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, thành phố sẽ tập trung triển khai xây dựng, rà soát bổ sung các kế hoạch, đề án như thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; nghiên cứu tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông chính có đủ mặt bằng, điều kiện…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục