Năm 2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đưa ra mục tiêu giá trị sản lượng và doanh thu toàn Tổng công ty đạt mức tăng 7% trở lên, lợi nhuận đạt 186 tỷ đồng.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015, tổ chức ngày 31/12 tại Hà Nội, ông Phạm Công Trịnh, Phó tổng giám đốc VNR cho biết, năm 2015, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của VNR vẫn là tập trung tổ chức sản xuất kinh doanh vận tải và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, ưu tiên mọi điều kiện thuận lợi cho các công ty vận tải đường sắt nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo an toàn chạy tàu.
Cùng với đó tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới hình ảnh nhà ga, đoàn tàu, điều hành giá vé, giá cước linh hoạt đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh…
Về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014, VNR đã hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách với nhà nước với dự kiến khoảng trên 1.100 tỷ, lợi nhuận đạt khoảng 180 tỷ đồng. Riêng trong lĩnh vực vận tải đường sắt, sản lượng T.Km (tấn.Km) tính đổi tăng 5,5%, doanh thu tăng 11% so với năm 2013. Đáng chú ý, trong năm 2014, doanh thu vận tải hàng hóa tăng đến 26,4%.
Năm 2014, nhờ áp dụng biểu đồ chạy tàu mới, tỷ lệ tàu đi, đến đúng giờ tăng cao, riêng tàu khách Thống Nhất đến ga đúng giờ đạt xấp xỉ 100% trong quý 4 năm 2014. Tai nạn giao thông đường sắt giảm cả tiêu chí so với cùng kỳ.
Đặc biệt, việc chính thức khai trương Hệ thống bán vé điện tử ngày 21/11/2014, đã tạo sự thuận tiện cho hành khách khi mua vé tàu. Hành khách có thể “Mua vé tàu mọi lúc, mọi nơi” thông qua kết nối Internet, chấm dứt cảnh nằm chờ, xếp hàng để mua vé như những năm trước.
Cũng theo số liệu của, kết thúc năm 2014, tổng doanh thu Tổng công ty tăng 4,6%; thu nhập bình quân người lao động tăng 7,5% (đạt 6,6 triệu đồng/người/tháng) so với năm 2013.
Công tác tái cơ cấu của VNR đang được triển khai một cách mạnh mẽ, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Bộ máy lãnh đạo từ cấp Tổng công ty đến các đơn vị được đổi mới, sắp xếp lại tổ chức khối vận tải từ 4 đơn vị trước đây (2 công ty vận tải hành khách, 1 công ty vận tải hàng hóa và Liên hiệp sức kéo) còn 2 công ty vận tải và 2 đơn vị này sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên kể từ 1/1/2015 tới đây.
VNR cũng đã có sự đổi mới đột phá trong tư duy kinh doanh, theo định hướng khách hàng với phương châm “An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả,” lấy sự hài lòng của khách hàng là thước đo chất lượng dịch vụ của Tổng công ty.
Ngoài ra, với nhiều giải pháp đồng bộ như thay đổi hình ảnh nhà ga, đoàn tàu; chấn chỉnh nâng cao chất lượng phục vụ trên tàu, dưới ga; điều hành các chính sách giá vé, giá cước linh hoạt…; triển khai đồng bộ phong trào thi đua phục vụ khách hàng theo tiêu chí “4 xin, 4 luôn”; nâng cấp, cải tạo hệ thống mái che, cầu vượt, ke ga cao thuận tiện; triển khai công nghệ khử “mùi tàu”; xây dựng Biểu đồ chạy tàu mới (kể cả tàu hàng); đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, hấp dẫn khách hàng; đã góp phần tạo nên những thay đổi đột phá, tạo nên hình ảnh tốt về ngành đường sắt./.