Nghệ An quyết liệt phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An triển khai các giải pháp giúp ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật, không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép.
Nghệ An quyết liệt phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp ảnh 1Bộ đội Đồn Biên phòng Diễn Thành, Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An tuyên truyền phòng chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không theo quy định IUU cho ngư dân. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Quyết tâm cùng với cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” trong khai thác hải sản của Ủy ban châu Âu, cùng với chính quyền các địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định IUU.

Các hoạt động góp phần giúp ngư dân thay đổi nhận thức, hành động trong việc tuân thủ các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Chuyển biến tích cực

Quản lý 8 xã vùng biên giới biển và hơn 25km bờ biển với hàng trăm tàu cá, công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp được Đồn Biên phòng Diễn Thành, Bộ đội Biên phòng Nghệ An luôn xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Cùng với việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đơn vị đã tích cực triển khai lực lượng, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các chủ tàu cá đảm bảo đầy đủ các thủ tục trước khi ra khơi. Nhờ đó, nhận thức của ngư dân về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp có nhiều chuyển biến tích cực.

Anh Nguyễn Văn Trung, chủ tàu cá NA 80189 TS (huyện Diễn Châu), cho biết trước đây, nhận thức của các chủ tàu còn hạn chế, không ý thức được thế nào là khai thác hải sản bất hợp pháp.

Được chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, mọi người đều ý thức được việc khai thác hải sản bất hợp pháp không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, mà còn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu ra nước ngoài.

Giờ đây, mỗi lần vươn khơi, các chủ tàu đều thực hiện đầy đủ các quy định như đăng ký xuất-nhập bến, nộp nhật ký, báo cáo khai thác, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình, không khai thác ở vùng biển nước ngoài…

Nghệ An quyết liệt phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp ảnh 2Bộ đội Đồn Biên phòng Diễn Thành, Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An kiểm tra thiết bị định vị trên tàu, đảm bảo đúng quy định trước khi tàu ra khơi. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Anh Nguyễn Văn Lộc, chủ tàu biển số NA 90705 TS (huyện Diễn Châu) chia sẻ, được chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, hầu hết các chủ tàu trên địa bàn đều thực hiện quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Thực tế, trong quá trình khai thác trên biển, một số tàu không may bị nạn nhưng nhờ có thiết bị định vị, lực lượng cứu hộ nhanh chóng tiếp cận cứu hộ an toàn.

Huyện Diễn Châu hiện có 553 tàu thuyền, trong đó có 206 phương tiện có chiều dài từ 15m đến dưới 24m. Để ngư dân chấp hành đúng quy định, bên cạnh phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, Đồn Biên phòng Diễn Thành đã biên soạn các nội dung về chống khai thác IUU để các chủ tàu và ngư dân ký cam kết.

Tại Trạm kiểm soát Lạch Vạn, đơn vị đã bố trí lực lượng, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở và kiên quyết không cho các tàu xuất bến nếu không đảm bảo các thủ tục, thiết bị giám sát hành trình.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Trung tá Nguyễn Lương Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Diễn Thành cho biết cùng với việc tổ chức tuyên truyền tập trung, Đồn đã vận dụng nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với hoạt động đánh bắt khai thác của ngư dân như biên soạn các tờ rơi với các quy định của pháp luật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và tiện mang theo khi đi biển; cung cấp các số điện thoại, tần số cần thiết để liên lạc khi gặp khó khăn…

Nhờ đó, nhận thức của ngư dân về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp đã được nâng lên. Từ đầu năm đến nay, địa bàn không có trường hợp vi phạm khai thác trên vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng tập trung khoanh vùng, phân loại đối tượng nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; kiểm soát chặt tàu cá xuất bến, không để tàu cá không đủ điều kiện xuất bến; xử lý nghiêm tàu cá vi phạm quy định lắp đạt thiết bị giám sát hành trình (VMS), vi phạm vùng biển nước ngoài; xử lý vi phạm tại các cảng cá.

[Gỡ "Thẻ vàng" IUU: Việt Nam nỗ lực phát triển ngành thuỷ sản bền vững]

Theo Đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An, để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài có hiệu quả, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động phối hợp với các lực lượng, địa phương liên quan làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU.

Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 35 buổi cho 4.800 lượt chủ tàu cá và ngư dân; tuyên truyền hàng ngày trên hệ thống truyền thanh của 34 xã, phường biên giới biển; tuyên truyền lưu động bằng loa kéo được 30 đợt/34 xã, phường tuyến biển; biên tập và phát gần 8.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về khai thác IUU. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của ngư dân, nhất là các chủ phương tiện trong chấp hành Luật Thủy sản và khai thác IUU.

Nghệ An quyết liệt phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp ảnh 3Chủ tàu cá ký cam kết khai thác đúng quy định trước khi vươn khơi. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường chỉ đạo các đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng tuyến biển kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất-nhập lạch, kiên quyết không cho phương tiện xuất lạch khi chưa có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ và các trang thiết bị an toàn theo quy định; đồng thời, triển khai các biên đội tàu và phối hợp với Chi cục Thủy sản thường xuyên tuần tra, kiểm soát vùng biển; trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nghệ An có 82km bờ biển với gần 3.400 tàu cá; trong đó có hơn 1.600 phương tiện đánh bắt xa bờ.

Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã góp phần giúp ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, không có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép; chung tay cùng các cấp, ngành và cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam.

Đơn vị kịp thời động viên tinh thần bà con an tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.