Rà soát các dự án BOT đường bộ, không để lặp lại tình trạng Cai Lậy

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ và địa phương liên quan tiếp tục rà soát tất cả các dự án BOT giao thông đường bộ.
Rà soát các dự án BOT đường bộ, không để lặp lại tình trạng Cai Lậy ảnh 1Giao thông tại BOT Cai Lậy. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ và địa phương liên quan tiếp tục rà soát tất cả các dự án BOT giao thông đường bộ, có biện pháp giải quyết tối ưu, chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng như trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông theo hình thức Hợp đồng BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Việc thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đã tạo được diện mạo mới về kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực đường bộ và hàng không.

Các công trình giao thông đã từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần tăng năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

[Đề nghị giảm phí các trạm BOT hoặc bỏ thu phí bảo trì đường bộ]

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành một số dự án BOT thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế từ khâu chuẩn bị đầu tư (công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án) đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, xác định tổng mức đầu tư để làm cơ sở tính giá phí; việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu vẫn là chỉ định thầu, năng lực một số nhà đầu tư còn hạn chế; công tác huy động vốn còn nhiều tồn tại; thời gian thi công một số công trình còn kéo dài, chất lượng một số công trình chưa đạt yêu cầu; công tác khai thác, vận hành công trình chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân.

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, hợp đồng BOT nói riêng còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng theo hình thức BOT còn nhiều bất cập, thiếu kinh nghiệm, hiệu quả chưa cao; quy hoạch trạm thu phí chưa khoa học...

Để kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn nảy sinh, được dư luận quan tâm, thời gian qua Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình thức Hợp đồng BOT./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục