Để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý nhà chung cư, khu đô thị, trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư tại 11 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An.
Bộ Xây dựng khẳng định khi phát hiện các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư, sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết liên quan đến vấn đề trên, trong năm 2021 vừa qua, bộ đã ban hành Chỉ thị số 02 về việc tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đồng thời đã tiến hành thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư, ban quản trị tại một số địa phương.
[Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẽ làm rõ việc ‘hứa mua, hứa bán’ đất đai]
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 Ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư.
Trong đó, Bộ Xây dựng đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán để chuyển ngay cho Ban quản trị nhà chung cư với tổng số kinh phí bảo trì hơn 344,96 tỷ đồng; buộc 5/18 chủ đầu tư trả lại 2.080m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân (có giá trị khoảng 62,40 tỷ đồng); xử phạt vi phạm hành chính 8/18 chủ đầu tư với tổng số tiền là hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã thực hiện đánh giá, tổng kết việc thi hành các quy định của Luật Nhà ở 2014, trong đó có việc thực hiện các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư và đã có tờ trình gửi Chính phủ về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại phiên họp về chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 13 thông qua đề nghị xây dựng dự án luật này.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang cùng với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện các bước theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết đưa dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua dự án Luật vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) của Quốc hội khóa XV. Theo lộ trình này, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024./.