Rau bina còn có tên gọi khác quen thuộc hơn ở Việt Nam là cải bó xôi hay rau chân vịt. Đây là loại rau thuộc họ Dền, có nguồn gốc từ vùng Trung Á và được du nhập vào Việt Nam.
Theo nghiên cứu, rau bina chứa nguồn dinh dưỡng vượt trội so với các loại rau cùng loại.
Tiến sỹ Joseph Roberts, tại Đại học bang Arizona, Mỹ, cho biết rau bina khá độc đáo. Khi ăn rau bina, cơ thể nhận được nhiều dinh dưỡng mà không cần nạp quá nhiều calo.
Chất dinh dưỡng trong rau bina
Tiến sỹ Joseph Roberts cho biết rau bina là nguồn cung cấp vitamin A, C và folate (vitamin B9) dồi dào.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một cốc rau bina sống chỉ có 7 calo. Nhưng nó cung cấp 121% lượng vitamin K mà nam giới nên tiêu thụ mỗi ngày và 161% lượng vitamin K được khuyến nghị cho phụ nữ.
Lượng vitamin K trong rau bina nhiều gấp khoảng 4 lần rau diếp, gấp 5 lần bông cải xanh và 8 lần so với bắp cải.
Mỗi cốc rau bina nấu chín cung cấp 129% lượng vitamin A được khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ và 105% lượng được đề xuất cho nam giới.
Rau bina cũng cung cấp nhiều khoáng chất như magie, kali và sắt hơn bắp cải, rau diếp hoặc bông cải xanh.
Loại rau này cũng rất giàu chất phytochemical - những hợp chất được tìm thấy chủ yếu trong thực vật có nhiều đặc tính tăng cường sức khỏe.
Tiến sỹ Roberts cho biết từ lâu phytochemical đã được biết đến với chức năng như chất chống ôxy hóa, giúp chống viêm và lão hóa.
Rau bina cũng là một trong những nguồn thực vật tốt nhất cung cấp lutein, một loại sắc tố có nguồn gốc thực vật được gọi là caroten rất tốt cho sức khỏe của mắt và não.
Ngoài ra, rau bina có chứa nhiều chất xơ, thứ mà hầu hết mọi người đều cần.
Chất xơ đã được chứng minh là giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim, tiểu đường và nhiều loại bệnh khác.
Hãy cẩn thận với rau bina
Tiến sỹ Roberts cho biết rau bina có hàm lượng oxalat cao, có thể cản trở khả năng hấp thụ khoáng chất của cơ thể. Ông nói rau bina thực sự có rất nhiều canxi, nhưng oxalat sẽ liên kết với chất đó trong ruột.
Hàm lượng oxalat trong rau chân vịt không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu canxi của cơ thể mà nó còn ảnh hưởng đến thận, cụ thể là gây sỏi thận.
Việc hình thành sỏi thận đã được chứng minh là có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới việc cơ thể thường xuyên tiêu thụ một lượng oxalat trong thời gian dài. Do đó, bạn không nên ăn rau chân vịt quá nhiều và thường xuyên để tránh bị sỏi thận.
Ông cho biết: “Điều này có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận ở một số người. Những người dễ bị sỏi thận đôi khi được bác sỹ khuyên nên áp dụng chế độ ăn ít oxalate."
Rau bina cũng chứa purin, được chuyển hóa thành axit uric trong cơ thể. Ở những người bị bệnh gout, axit uric có thể gây ra cơn gout, tuy nhiên tiến sỹ Roberts cho biết “các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng rau bina có rất ít hoặc không ảnh hưởng đến nguy cơ bị cơn gout tấn công.”
Chuyên gia khuyên rằng những người có cơ địa nhạy cảm có thể bị dị ứng nhẹ khi ăn rau bina. Trong khi đó, những người đang uống thuốc chống đông máu không nên ăn loại rau này bởi vitamin K trong rau có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
Sử dụng rau bina như thế nào để có lợi nhất?
Tiến sỹ Roberts nói rằng khi mua rau bina, bạn nên chọn loại rau tươi, còn nguyên vẹn cả gốc và rễ, lá không bị dập nát.
Cách bạn chế biến rau bina rất quan trọng. Tiến sỹ Roberts cho biết: “Việc đun nấu có thể ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng của rau bina. Khi luộc rau có thể làm giảm hàm lượng vitamin B và C, cũng như một số chất phytochemical."
Ông nói những hợp chất đó sẽ tồn tại trong nước luộc, vì vậy “một cách để cứu vãn tình trạng đó là hãy sử dụng cả nước luộc."
Vitamin K và A cũng như lutein cần một ít chất béo để cơ thể hấp thụ, vì vậy tiến sỹ Roberts khuyên nên xào rau bina với một ít dầu, hoặc ăn sống với một ít dầu rưới lên trên.
Tiến sỹ Roberts nói rằng làm sinh tố cũng giúp rau bina giữ được nhiều nhất chất dinh dưỡng nhất./.